Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo kết luận thanh tra tại An Giang
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai gắn với thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Responsive image
 
Lễ công bố Quyết định thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh An Giang

Theo đó, trong kỳ thanh tra toàn tỉnh đã tiến hành 93 cuộc thanh tra trách nhiệm đối với 144 đơn vị; UBND tỉnh đã ban hành 12 quyết định và văn bản cụ thể hóa Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng và các nghị định của Chính phủ. Đã phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho 545 lớp với trên 20.484 học viên. Toàn tỉnh tổ chức tiếp công dân thường xuyên 12.460 lượt; tiếp định kỳ và đột xuất 2.625 lượt. Thành lập được 893 Tổ hòa giải ở cơ sở và 156 Ban hòa giải; tiếp nhận 17.023 vụ việc, hòa giải thành 12.916 vụ việc. Toàn tỉnh tiếp nhận 8.341 đơn thư; trong đó có 2.038 đơn khiếu nại và 71 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền; đã giải quyết 715 đơn khiếu nại bằng quyết định hành chính và 134 đơn khiếu nại bằng hòa giải; đã giải quyết 64 đơn tố cáo.

Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp dân. Qua kiểm tra hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy hầu hết các đơn vị được kiểm tra, nhiều hồ sơ không được lưu giữ đúng quy định, thiếu hoặc không có nhật ký đoàn thanh tra, nhật ký đoàn thanh tra ghi chép sơ sài, nhiều biên bản thiếu ngày tháng năm lập, kết thúc biên bản; thời gian thanh tra, giải quyết khiếu nại còn kéo dài chưa đúng quy định của pháp luật. Một số đơn vị cấp huyện lực lượng thanh tra còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, một số cuộc thanh tra, kiểm tra chưa đảm bảo chất lượng. Việc thực hiện trình tự thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo còn nhiều sai sót, thậm chí chưa đúng quy định pháp luật.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tòan tỉnh đã tổ chức 115 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho 11.386 lượt người; phát thanh truyền hình được 3.099 lượt; đã biên soạn và phát hành 58.145 đầu sách, 2.650 tài liệu bỏ túi, 5.000 tờ rơi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng. 

Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các đơn vị chức năng đã ban hành 20 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tới các đơn vị trực thuộc. Các quy trình, thủ tục giải quyết công việc gắn với cải cách hành chính đã được công khai, minh bạch ở tất cả các dơn vị, tập trung vào một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Về kê khai minh bạch tài sản, thu nhập, tỷ lệ kê khai năm 2011 đạt 95,5%; năm 2012 đạt 96%. Toàn tỉnh có trên 72 đơn vị đã triển khai xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và niêm yết công khai theo quy định. Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, trong 2 năm 2011-2012 đã chuyển đổi 442 trường hợp theo quy định. Tuy nhiên, nhiều đơn vị thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác chưa đúng về quy trình theo quy định.

Các cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa. Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, trong năm 2011 đã xử lý 25 trường hợp, năm 2012 đã xử lý 06 trường hợp.

Về phát hiện và xử lý tham nhũng: qua kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh, phát hiện 60 trường hợp với tổng số tiền 17,576 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra nội bộ phát hiện 07 trường hợp với tổng số tiền 1,650 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra, phát hiện 15 trường hợp với tổng số tiền 2,195 tỷ đồng. Qua công tác giải quyết tố cáo, phát hiện 03 trường hợp với tổng số tiền 160,4 triệu đồng. 

Năm 2011, khởi tố 02 vụ, 02 bị can với số tiền 6.950 triệu đồng; năm 2012 khởi tố 03 vụ, 26 bị can với số tiền 4.913 triệu đồng; 04 tháng năm 2013, khởi tố 02 vụ, 06 bị can với tổng số tiền 1.547 triệu đồng. 

Về xử lý tham nhũng trong thời kỳ thanh tra, kết quả thanh tra cho thấy, có 04 vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự nhưng chỉ xem xét xử lý hành chính.

Từ kết quả thanh tra, ngày 20-3-2015, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 546/KL-TTCP, trong đó kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nghiêm túc thực hiện các nội dung:

Kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành việc triển khai thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng đã để xảy ra các thiếu sót như kết luận đã nêu.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khắc phục và xử lý những hạn chế, thiếu sót, tồn tại đã nêu trong báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ, cụ thể:

Tăng cường lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra về số lượng và nâng cao chất lượng, ổn định thời gian công tác mang tính tương đối của lực lượng này.

Chỉ đạo Thanh tra tỉnh tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng đối với các sở, ngành, huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh. 

Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết dứt điểm 261 đơn tranh chấp đất đai còn tồn đọng theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết quy định tại Quyết định 21/QĐ-UBND ngày 06-8-2012 của UBND tỉnh. 

Kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với các đơn vị thực hiện không nghiêm túc công tác tiếp dân đã nêu trong kết luận. Bố trí, hoàn thiện các phòng tiếp dân ở các cấp, các Sở, ngành. Tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại với công dân trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật. 

Củng cố, tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng cán bộ công chức làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố, thị xã và các huyện nhằm hạn chế việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Chấn chỉnh công tác lập hồ sơ, lưu giữ, bảo quản hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định.

Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để thống nhất quan điểm xử lý, qua đó tìm ra giải pháp giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ. 

Đôn đốc, hướng dẫn việc kê khai tài sản thu nhập; thực hiện việc kê khai tài sản thu nhập đúng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các nghị định, thông tư hướng dẫn; đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện. 

Chỉ đạo chuyển hồ sơ 04 vụ tham nhũng đã nêu trong kết luận qua Công an tỉnh để xem xét, xử lý đúng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Xử lý trách nhiệm của người đúng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và trưởng các đoàn thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để làm rõ theo quy định của pháp luật. 

Nhã Lan

(Thanh tra Chính phủ)

VĂN BẢN