Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực
Năm 2023, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trên toàn quốc đã đưa hơn 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 839 vụ án/2.276 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quyết định đưa 107 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, xử lý; các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 444 vụ án/1.003 bị can về tham nhũng(1). Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý, cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp huyện của địa phương, điển hình như: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, An Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Nghệ An,...

    Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) trên cả nước đã tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Nhiều vụ án lớn về tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện và khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

 

Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phát biểu tại cuộc họp Tổ Biên tập Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 20/9/2024. (Ảnh Đặng Phước)

Những con số trên cho thấy, công tác PCTNTC ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Việc chỉ đạo xử lý kiên quyết, nghiêm minh, không có vùng cấm trong các vụ án, vụ việc thể hiện rõ thêm quyết tâm không nghỉ, không ngừng trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm” của Đảng, Nhà nước; đồng thời, là tiếng chuông răn đe, cảnh tỉnh nghiêm khắc.

Tuy nhiên, bên cạnh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra trước đây được phát hiện, xử lý, thì vẫn còn xảy ra nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng mới, nghiêm trọng, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhiều cán bộ có chức, có quyền cấu kết với các doanh nghiệp để trục lợi, đục khoét, tham ô tài sản của Nhà nước và Nhân dân.  Điển hình là các vụ án liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương xảy ra tại các tập đoàn, công ty như: FLC, AIC, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An,…

Vấn đề đặt ra, vì sao công cuộc đấu tranh PCTNTC hiện nay rất quyết liệt nhưng các vụ án tham nhũng vẫn tăng? Số cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tiếp tục tăng ở cả Trung ương và địa phương; không chỉ là những vụ việc đơn lẻ, một vài người mà có địa phương, cán bộ cốt cán bị kỷ luật hàng loạt.

    “Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác PCTN; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị.

 

        Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do:

    (1) Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, còn có những vấn đề chưa theo kịp thực tiễn; nhiều quy định của pháp luật còn sơ hở, bất cập, nhất là trong các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Đất đai, đấu thầu, tài chính, đầu tư công, tài nguyên môi trường, định giá, y tế, giáo dục,… tạo kẽ hở cho hiện tượng “lách luật” của một số doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tìm cách móc nối, kết thân, lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để được trúng thầu, được ưu ái trong các dự án, tạo mối quan hệ “có qua có lại” giữa hai bên để trục lợi.

    (2) Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt thiếu rèn luyện, tu dưỡng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa ngã trước những cám dỗ về vật chất, tiền tài, cố ý làm trái quy định của Nhà nước để tham nhũng một cách tinh vi; cậy quyền, cậy thế để nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh doanh nghiệp.

    (3) Công tác kiểm tra, giám sát của ban thường vụ cấp ủy một số địa phương đối với công tác thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét  xử các vụ án tham nhũng vẫn chưa được quan tâm đúng mức; số vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển cho Cơ quan điều tra còn hạn chế. Sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền chưa kịp thời.

    (4) Năng lực, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; tính tiên phong, gương mẫu, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa được phát huy tốt. “Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, có nơi còn né tránh”(2). Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên còn hạn chế.

    Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau: 

    Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định về phân hóa trách nhiệm hình sự để bảo đảm việc xử lý phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

    Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu xác định và thống nhất tiêu chí vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực để tham mưu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều vụ án được khởi tố, điều tra ban đầu không phải là về tội tham nhũng (mà về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay trái quy định pháp luật, cố ý làm trái quy định của Nhà nước,...); nhưng trong quá trình điều tra đã phát hiện hành vi tham nhũng, kết thúc điều tra, truy tố hầu hết có tội phạm thuộc nhóm các tội về tham nhũng. Như vậy, phải thông qua quá trình điều tra mới phát hiện được hành vi tham nhũng để khởi tố, điều tra, xử lý. từ đó, rút ra kinh nghiệm là việc lựa chọn vụ án, vụ việc để đề xuất đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo ban đầu không nhất thiết phải là vụ án tham nhũng mà là những vụ việc, vụ án có yếu tố: tài sản nhà nước bị xâm hại, thất thoát với số lượng lớn; có dấu hiệu có sự tiếp tay của người quản lý tài sản nhà nước đã thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái dẫn đến hậu quả thất thoát lớn. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có trách nhiệm chứng minh, làm rõ hành vi tham nhũng để xử lý theo quy định của pháp luật.    

    “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”. 

Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị.

 

    Thứ ba, tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy, mà trực tiếp là ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy. thực tiễn cho thấy, để công tác tham mưu xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đạt hiệu quả, việc tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy giữ vai trò quyết định, từ việc xác định vụ việc, vụ án đưa vào diện theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, tạo điều kiện về nguồn lực con người, phương tiện đến việc điều hòa, phối hợp các cơ quan có liên quan, nhất là các cơ quan trong khối Nội chính. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp trên cơ sở các quy chế phối hợp và các quy định của Đảng một cách thường xuyên, liên tục, thiết thực, cụ thể với các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án. Các cơ quan này vừa phối hợp với Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy nắm bắt thông tin, tình hình về các vụ án, vụ việc làm cơ sở cho công tác tham mưu xử lý; vừa phối hợp với Ban Nội chính thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc trong quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

    Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, cần xử lý dứt điểm, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tính nghiêm minh của pháp luật. thường xuyên đánh giá tình hình, thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng để bổ sung các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, phát hiện, xác định và đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc. 

    Thứ năm, tập trung tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo để khởi tố đúng quy định; không để công tác giám định, định giá ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc. 

    Thứ sáu, tham mưu chỉ đạo xử lý án tham nhũng, tiêu cực không chỉ “phạt thật nghiêm, tuyên thật nặng” mà quan trọng là việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt về cho Nhà nước và nhân dân. Muốn làm tốt việc này thì phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản. 

    Thứ bảy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác PCTNTC nói chung, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Công tác tuyển chọn cán bộ phải tuân theo các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành của cán bộ, chuyên viên làm công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút cán bộ, chuyên viên giỏi, tâm huyết với công việc. Đồng thời, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực đối với đội ngũ cán bộ làm công tác này, vì khi giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát hay không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, tiêu cực. 

    Thứ tám, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương, xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ quản lý. triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/tT, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

    Ngoài ra, cần nghiên cứu để có hướng dẫn thống nhất về việc thực hiện cơ chế phối hợp theo chỉ đạo của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC là “trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới chuyển”, nhằm giúp việc phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

    (1) tham khảo tại: https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/202402/thong-bao-phien-hop-thu-25-cuaban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-313484/https://noichinh.vn/cong-tacphong-chong-tham-nhung/202408/phien-hop-thu-26-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-thamnhung-tieu-cuc-314112/

    (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CtQG-St, H.2021, t.2, tr.201.

Đặng Thị Mỹ Ngọc

(Ban Nội chính Trung ương)

Nguồn noichinh.vn
DT-st

 

ipv6 ready