Bộ Tài chính: Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định 2678/QĐ-BTC về việc ban hành kế hoạch của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; nhằm cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ đã được xác định trong chiến lược.

Góp phần thiết thực ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính; khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, nhất là trong quá trình ban hành và tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính.
 

Một cuộc họp của Bộ Tài chính

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; thuế, hải quan và các lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, đình chỉ, gia hạn, bãi bỏ, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính.
 
Khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện. Rà soát, cụ thể hóa quy định về trách nhiệm thủ trưởng các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
 
Bộ Tài chính cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao chất lượng thực thi pháp luật. Rà soát, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý đảm bảo minh bạch và trách nhiệm cao, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả.
 
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong ngành Tài chính. Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật gắn với việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với người vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tài chính. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ công vụ./.

                                                                                            Văn Bắc
Nguồn noichinh.vn
DT-st

 

 

VĂN BẢN