An Giang đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 10/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh An Giang năm 2020 (PAPI 2020), với mục tiêu phấn đấu Chỉ số PAPI năm 2020, tỉnh An Giang xếp trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất trong cả nước.

Theo Kế hoạch số 179/KH-UBND, ngành Thanh tra được giao chủ trì thực hiện Trục chỉ số về “Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” - Trục chỉ số trong 9 trục chỉ số thuộc chỉ số PAPI hiện nay. Nhằm cải thiện và nâng cao Trục chỉ số về “Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đang có chiều hướng giảm qua kết quả Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2019, từ nhóm tỉnh có chỉ số điểm cao (6,93 điểm) của năm 2018, xuống nhóm tỉnh có chỉ số điểm trung bình thấp của năm 2019 (6,79 điểm); phấn đấu đạt từ 7,00 điểm theo Kế hoạch số 179/KH-UBND; đồng thời, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị và hành chính công của tỉnh, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Ngày 21/5/2020, Thanh tra tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-TTT về thực hiện “Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” năm 2020, với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật PCTN; Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biệp pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Đảm đảo 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt, phổ biến quy định pháp luật về PCTN theo Kế hoạch số 704/KH-UBND ngày 05/11/2019 thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm năm 2020. Tăng cường, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng sâu, rộng trong nhân dân.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát tham nhũng công, bao gồm: Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả đến cấp xã và trên cổng thông tin điện tử theo quy định. Công khai hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị; tổ chức lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức đối với thái độ phục vụ và chất lượng cung cấp các dịch vụ công. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, thái độ phục vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên kiểm tra công vụ. Bảo vệ và tạo điều kiện cho người phát hiện, tố giác, tố cáo, phản ánh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Thường xuyên giám sát, kiểm tra phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi: Dùng tiền quỹ công vào mục đích riêng; huy động các khoản đóng góp trái quy định; người dân và doanh nghiệp phải chi thêm tiền ngoài quy định trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là việc cấp giấy, cấp phép về đất đai, xây dựng, thương mại, y tế; Người dân phải chi thêm tiền ngoài quy định để được quan tâm khám, chữa bệnh và dạy học; việc “lót tay” hoặc thông qua mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền để được xin việc làm, thi tuyển, xét tuyển trong cơ quan nhà nước.

Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, giải quyết hồ sơ, công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở cơ sở, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dư luận quan tâm. Công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra cũng như việc chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra của các đơn vị.

Ba là, phối hợp tốt với cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật.

Bốn là, tăng cường phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân phát huy vai trò giám sát, tố giác, tố cáo hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công.

Nhằm đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, cũng như tránh hình thức, “qua loa”, Thanh tra tỉnh yêu cầu Thanh tra các sở, Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho người đứng đầu cơ quan, địa phương kiểm soát hiệu quả tham nhũng trong khu vực công trong ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc và tiến hành kiểm tra việc triển khai, thực hiện tại các đơn vị./.

Ngô Thanh Tâm

VĂN BẢN