Thực trạng và một số kiến nghị thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Trong khuôn khổ thực hiện dự án Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, ngày 11/7/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”, với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực cải thiện tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng.

Như chúng ta biết, phổ biến, giáo dục pháp luật là quá trình hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài của chủ thể tuyên truyền lên đối tượng, là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Trong công tác quản lý nhà nước, phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định là một công việc trọng tâm và thường xuyên của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành, tác động tích cực đến việc tổ chức, thực hiện pháp luật trên cơ sở giúp người dân có hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật.

Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội Đảng lần thứ VII đã khẳng định: “điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật của nhân dân”. Vì vậy, để củng cố và tăng cường pháp chế đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ trong đó có việc nâng cao trình độ văn hoá pháp lý, xây dựng ý thức pháp luật ở mỗi người dân. Chỉ khi nào trong xã hội mọi công dân đều có ý thức pháp luật, luôn tuân thủ pháp luật và có hành vi phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của hệ thống pháp luật, mới có thể thực hiện quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật và điều này chỉ có thể hình thành và thực hiện được trên cơ sở tiến hành giáo dục pháp luật. 

Trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, gắn với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật về PCTN và giáo dục đạo đức, lối sống liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”.

Trong thời gian qua, tỉnh An Giang đã nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Đề án) đạt những kết quả chủ yếu như sau:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện:

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 693/KH-UBND ngày 01/11/2019 thực hiện Đề án giai đoạn 2019 - 2021; đồng thời ban hành Kế hoạch số 703/KH-UBND, Kế hoạch số 704/KH-UBND ngày 05/11/2019 thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trong năm 2019 và năm 2020. Bên cạnh đó, UBND tỉnh quyết định thành lập, quyết định tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án để tham mưu trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án.

Những kết quả chủ yếu nổi bật trong thời gian qua:

Các cấp, các ngành đã đồng loạt quán triệt, triển khai thực hiện Đề án, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì từng nhiệm vụ đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ để triển khai thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh. Đến nay tổ chức 488 cuộc tuyên truyền với 21.137 lượt người tham dự phổ biến chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định pháp luật về PCTN thông qua các buổi họp chi bộ, họp đơn vị, hội nghị và “Ngày pháp luật”; đài truyền thanh, các chuyên trang, chuyên mục thực hiện 1.026 tin, 152 bài viết, 78 câu chuyện, 65 chuyên mục cấp phát 4.695 tờ bướm về pháp luật PCTN. Các cơ sở giáo dục đào tạo tích hợp, lồng ghép phổ biến pháp luật PCTN vào môn giáo dục công dân và các môn học có liên quan theo chương trình, số tiết môn học; các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp đưa nội dung PCTN vào giảng dạy, với 04 tiết trong môn học pháp luật; Trường Đại học An Giang tích hợp, lồng ghép nội dung PCTN vào Chương trình học chính trị về Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, với thời lượng 05 tiết lý thuyết cho sinh viên.

Sở Tư pháp phối hợp Thanh tra tỉnh tổ chức thành công Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về PCTN” năm 2020 vào ngày cao điểm Quốc tế chống tham nhũng 09/12/2020, với 11 đội thi cấp huyện, trải qua 04 vòng thi (tự giới thiệu, trắc nghiệm, năng khiếu và xử lý tình huống). Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động, tranh biếm hoạ với chủ đề PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính năm 2020 cho đối tượng là họa sĩ chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp và các trung tâm văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Qua các hội thi, nhằm tuyên truyền xây dựng lối sống liêm chính, tuân thủ pháp luật về PCTN trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý chí chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật và phòng ngừa, đấu tranh với hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTN cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hệ thống công đoàn. Qua đó, đội ngũ này tuyên truyền cho đoàn viên công viên đang công tác, làm việc tại đơn vị mình.

Thanh tra tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang xây dựng 04 tiểu phẩm phát sóng truyền hình, với thời lượng 10 phút/tiểu phẩm trên đài truyền hình của địa phương. Ngoài ra, phối hợp với một số đơn vị tuyên truyền Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Thoại Sơn, An phú, Châu Phú.

Tại 02 mô hình điểm tuyên truyền, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Phú Tân thực hiện biên soạn sổ tay hỏi đáp về Luật PCTN, tổ chức nói chuyện chuyên đề về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức; bồi dưỡng kiến thức pháp luật PCTN cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hỗ trợ tài liệu và vận động Nhân dân tìm hiểu pháp luật PCTN.

Ban Chỉ đạo Đề án thành lập 02 Tổ công tác tiến hành kiểm tra việc thực hiện Đề án tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật PCTN năm 2020 tại 02 mô hình điểm tuyên truyền và 11 huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn tháo gở những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện, nhất là trong tình hình ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội.

Nhìn chung, đến nay nhiều mục tiêu thực hiện đã đạt tỷ lệ 100% theo Đề án; tuy nhiên, một số mục tiêu liên quan đến tuyên truyền, phổ biến trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp… chưa đạt được. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đối với tỉnh An Giang là địa phương có tuyến biên giới với Campuchia, thực hiện giãn cách xã hội; thiếu nguồn kinh phí thực hiện do tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong thời gian qua nên nhiều nội dung và hoạt động tuyên truyền, phổ biến không triển khai được; từ đó việc thực hiện Đề án gặp nhiều trở ngại, một số mục tiêu phấn đấu chưa đạt theo Đề án. Mặt khác, thời gian thực hiện Đề án chỉ hơn 01 năm kể từ khi Thủ tướng phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg; tài liệu tuyên truyền theo Đề án vừa được phát hành, nên chậm kịp thời phục vụ tốt hơn cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN của các địa phương.

Một số kiến nghị thực hiện Đề án trong thời gian tới:

Các cấp, các ngành xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Đề án của năm 2021. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cả giai đoạn 2019 - 2021 theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị; từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm đi vào chiều sâu, tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong công tác tuyên truyền. Chú trọng kết hợp với tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về PCTN với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức; tập trung vào các điểm mới của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các vấn đề liên quan đến tham nhũng và PCTN mà dư luận xã hội quan tâm.

Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách, pháp luật về PCTN cho cán bộ làm công tác PCTN và việc biểu dương người tốt, việc tốt trong PTCN theo Đề án.

Bộ Tài chính tăng cường kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN của các địa phương nhằm hoàn thành các mục tiêu, tỷ lệ theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ chuyên ngành có hướng dẫn cụ thể thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án cho các địa phương nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt trong tổ chức triển khai thực hiện thuộc ngành, lĩnh vực đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính./.

Ngô Thanh Tâm

ipv6 ready