Nguyên nhân khách quan dẫn đến tham nhũng ở Việt Nam hiện nay - những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng
1. Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) có bước tiến đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 87/180, tăng 46 bậc so với năm 2012, cũng là năm Việt Nam có chỉ số CPI cao nhất trong 10 năm 2012-2021(1).

Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp như: Lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; lĩnh vực y tế, giáo dục… với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo số liệu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp, trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, số các vụ án tham nhũng đã khởi tố, điều tra là 2.657 vụ/5.841 bị can(2). Tội phạm về tham nhũng không chỉ gây ra những thiệt  hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách xã hội, làm suy yếu hệ thống tổ chức bộ máy trong các cơ quan nhà nước và làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Tội phạm tham nhũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Việc nghiên cứu nguyên nhân khách quan dẫn đến loại tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

"Công tác đấu tranh PCTN được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận”.

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. CTQG-ST, H.2021, t.2, tr.206

Responsive image

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với Hội đồng Lý luận Trung ương về Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, ngày 11/8/2022

2. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, sự tồn tại và gia tăng các tội phạm tham nhũng có các nguyên nhân khách quan như sau:

Thứ nhất, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Sau năm 1986, Đảng ta nhận thức rõ nền kinh tế hàng hóa có nhiều mặt tích cực cần vận dụng trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Tổng kết thực tiễn hơn 35 năm tiến hành đổi mới, lý luận về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mặt trái của nền kinh tế thị trường ngày càng bộc lộ rõ như: Ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, văn hóa, xã hội; phân hóa giàu nghèo; cạnh tranh không lành mạnh; ô nhiễm môi trường và phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội... trong đó có vấn nạn tham ô, tham nhũng. Các quy luật kinh tế, cạnh tranh, đặc biệt là quy luật giá trị không chỉ tác động đến kinh tế mà còn tác động đến tư tưởng, tình cảm, kích thích sự quan tâm của con người đến lợi ích vật chất. Trong điều kiện đó, một số người quá đề cao các yếu tố vật chất đã hình thành, phát triển lối sống thực dụng, bỏ qua những giá trị, chuẩn mực đạo đức, nhân cách con người, văn hóa xã hội. Một số người vì những mục tiêu cá nhân, để làm giàu, kiếm tiền đã dùng mọi thủ đoạn, trong đó có tham ô, hối lộ, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, dưới sự tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ đã tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, che dấu, chuyển hóa, tẩu tán tài sản tham nhũng như: Lợi dụng cơ chế, chính sách ứng dụng khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư; chuyển tài sản ra nước ngoài, mua tiền kỹ thuật số, tiền điện tử; mua quốc tịch nước ngoài... gây khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện, thu thập, thu hồi các tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Thứ hai, do hệ thống chính sách, pháp luật ở nước ta thiếu đồng bộ và nhất quán. Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập, chưa giải quyết triệt để những vấn đề thực tiễn đặt ta; tính công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực kinh tế còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế “xin, cho”, là điều kiện dẫn đến tham nhũng. Pháp luật là công cụ mạnh nhất để ngăn chặn tham nhũng, song chế tài xử lý chưa đủ mạnh để đủ sức răn đe, pháp luật còn nhiều kẽ hở, cơ chế quản lý còn nhiều yếu kém để các đối tượng lợi dụng để tham nhũng. Các thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa số hóa, tự động hóa; cơ chế quản lý tài sản, minh bạch tài sản chưa hiệu quả và chặt chẽ tạo kẽ hở cho các cán bộ, viên chức tham nhũng.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.

Cơ chế, chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn còn những hạn chế, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi tham nhũng, đặc biệt trên các lĩnh vực: Quản lý ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng , tổ chức - cán bộ, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... còn một số kẽ hở để các đối tượng lợi dụng phạm tội; thể chế về quản lý kinh tế - xã hội góp phần phòng ngừa, chống tham nhũng, lãng phí còn bất cập; công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của Nhà nước trên một số lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ xảy ra sai phạm còn lỏng lẻo, yếu kém, chưa thường xuyên, hiệu quả, chế tài xử lý chưa mang tính răn đe. Các yếu tố trên dễ bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng, nếu không giải quyết kịp thời sẽ làm cho tình trạng tham nhũng gia tăng và khó có thể ngăn chặn, phát hiện và xử lý.

Thứ tư, công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi; chính sách tuyển dụng, sử dụng và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chưa thỏa đáng; “việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt”(3). Trong khi đó, “công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, thiếu kịp thời, tính thuyết phục chưa cao”(4), công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có nơi, có lúc chưa được chú trọng đúng mức, chưa đạt được hiệu quả toàn diện. Mặt khác, việc đưa những người thiếu trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức vào làm việc tại các cơ quan nhà nước dẫn đến bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu quả, làm suy thoái hệ thống chính trị và tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng phát triển.

Thứ năm, công tác PCTN đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện đạt được kết quả quan trọng, song “công tác PCTN tại một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN chưa được đề cao”(5), việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng còn nhiều khó khăn; công tác thu thập, bảo quản, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn hạn chế; cơ chế tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan còn yếu; cơ chế kiểm soát quyền lực, công khai, minh bạch tài sản đối với người có chức vụ, quyền hạn chưa chặt chẽ và hiệu quả… dẫn đến tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn phức tạp, biểu hiện tinh vi hơn.

Qua những phân tích trên đây chúng ta thấy rằng nguyên nhân khách quan không trực tiếp dẫn đến tội phạm tham nhũng, nhưng nó là môi trường, điều kiện thuận lợi để tham nhũng tồn tại và phát triển.

3. Để từng bước loại bỏ các nguyên nhân khách quan cơ bản nêu trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống các tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới cần quán triệt, thực hiện các nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường. Xác định rõ nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhà nước cần nâng cao hiệu lực của các công cụ quản lý, đặc biệt là hệ thống pháp luật để bảo đảm nguyên tắc tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp. Tạo điều kiện để khuyến khích và phát huy tính sáng tạo của con người, giải phóng mọi tiềm năng, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao năng xuất lao động. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Từ đó đặt ra yêu cầu: (1) Cần phải xây dựng pháp luật trên cơ sở tư duy mới, phù hợp với cơ chế quản lý mới của nền kinh tế thị trường; (2) Tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động quản lý; (3) Nhất quán thực hiện cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; (4) Thực hiện dân chủ hóa, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và phòng, chống các tội phạm tham nhũng. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, TC. Coi trọng công tác xây dựng, áp dụng và kiểm tra việc thực hiện pháp luật, kịp thời khắc phục, giải quyết những “kẽ hở”, “khoảng trống” của cơ chế, chính sách, pháp luật không để các đối tượng lợi dụng để tham nhũng. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý kinh tế bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng nhằm bảo đảm cho sự hình thành và vận động của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với cương lĩnh và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới. Bảo đảm mọi hoạt động kinh tế vận hành có trật tự trong hành lang cho phép, khắc phục bệnh quan liêu, mệnh lệnh, đồng thời tránh tùy tiện, tự do, vô chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng quan liêu, sách nhiễu, tham nhũng vặt. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC cần luật hóa và cụ thể hóa và tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định về việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn; thẩm quyền và trách nhiệm của ủy ban kiểm tra trong công tác PCTN, TC; công khai, minh bạch, tự động hóa, hiện đại hóa trong quản lý, vận hành, sử dụng các dịch vụ công, giao dịch tài sản, mua sắm tài sản công; cơ chế phối hợp, hợp tác quốc tế trong PCTN; thẩm quyền, quy trình, thủ tục thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Thứ ba, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; Xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng nhằm cảnh báo, răn đe, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, nhân dân trong giám sát việc thực thi pháp luật, thực hành các nhiệm vụ công, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng hay những vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí mà nhân dân quan tâm. Đồng thời, cũng cần có cơ chế cụ thể nhằm nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, coi trọng thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới công tác cán bộ, xác định “công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”(6).

Từ đó yêu cầu: (1) Thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ, đặc biệt là Quyết định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; (2) Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, hoàn thiện các chính sách trong tuyển trọn, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ; (3) Thực hiện nghiêm quy định về công tác nêu gương, tự phê bình và phê bình và các quy định của tổ chức Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan đơn vị trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; (4) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, lành mạnh cho cán bộ, đảng viên; (5) Hoàn thiện các cơ chế và quy định cụ thể nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vì lợi ích chung; (6) Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, TC ở Việt Nam hiện nay. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Trong công tác này cần huy động đồng bộ toàn lực lượng, tổ chức đồng bộ các biện pháp, phương tiện. Trong đó, cần coi trọng công tác phòng ngừa nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa mầm mống, điều kiện, nguy cơ dẫn đến hành vi tham nhũng, làm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và chính trị. Đồng thời, nhanh chóng kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, TC. Phát huy vai trò nòng cốt của các đơn vị chuyên trách thuộc Thanh tra Chính phủ; Bộ Công an; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong công tác PCTN, TC.

    (1) Bộ Chính trị (2022): Báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCTN, TC giai đoạn 2012-2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Hà Nội.
    (2) Bộ Chính trị (2022): Tài liệu đã dẫn.
    (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG-ST, H.2021, t.2, tr.223.
    (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.2, tr.222.
    (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.2, tr.212.
    (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.2, tr.226.

PGS.TS. Hoàng Trung Thực; ThS. Đinh Văn Thành
Nguồn: noichinh.vn
DT-st