Đẩy mạnh tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược, khó mấy cũng phải tìm mọi cách để làm, làm cho bằng được, làm đến cùng”.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán trên nguyên tắc: Không phải chỉ để xét xử mà phải phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; trong xử lý phải quán triệt đúng đắn các quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phân hóa giữa người sai phạm vì động cơ cá nhân, vụ lợi với người sai phạm không có động cơ cá nhân, vụ lợi; phải truy tố, xét xử vắng mặt những kẻ phạm tội đang bỏ trốn theo pháp luật; việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân.

Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” - công cuộc đấu tranh PCTNTC được thực hiện rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; thực hiện miễn nhiệm, từ chức theo quy định của Đảng, Nhà nước; vừa giữ nghiêm kỷ cương, xử lý nghiêm sai phạm… góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.


 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Khẳng định quyết tâm tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC theo quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Thời gian tới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; PCTNTC sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ với các mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ giải pháp như thời gian qua”( ).

Đặc biệt, trong phiên họp vừa qua của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm – Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh 3 yêu cầu: PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội; PCTNTC phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên (CBĐV) và Nhân dân; đặc biệt, cần quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. 

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để PCTNTC. Cụ thể, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC; bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; thanh toán không dùng tiền mặt… Cùng với đó, khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật. 

Đây là những ưu tiên hết sức xác đáng để đưa công cuộc đấu tranh PCTNTC bước sang một giai đoạn mới, tiến bộ hơn và toàn diện hơn. Chống tham nhũng không chỉ là xử lý các vụ án, vụ việc mà còn là “xây” - đó là: “Xây” thể chế, “xây” đạo đức công vụ, “xây” thiết chế giám sát từ bên ngoài bộ máy nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”( ).

Có thể nói, với quyết tâm của toàn Đảng và sự đồng lòng của toàn dân, công cuộc đấu tranh PCTNTC vẫn đang tiếp diễn, không ngừng, không nghỉ; ngày càng được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền PCTNTC

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC ngày càng được đổi mới; triển khai nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả hơn. Công tác tuyên truyền đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương và tình hình thực tiễn tại các địa phương. Từ đó, tăng cường phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kết quả, thành tựu trong công tác PCTNTC; những kết quả thanh tra, kiểm tra; những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm; đặc biệt, tăng cường thông tin kết quả xử lý các vụ việc, đối tượng thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát của Đảng về PCTNTC… góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tạo niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh PCTNTC.

Trước bối cảnh tình hình mới, đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục phải ngày càng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực hơn - cả trong nhận thức và hành động đối với công tác PCTNTC. Cụ thể:

Bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp ủy địa phương về PCTNTC. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức, làm cho CBĐV và Nhân dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng; khẳng định rõ chủ trương, đường lối, quyết tâm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác PCTNTC; hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát; phát huy dân chủ đi đôi với kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và CBĐV. 

Tuyên truyền những kết quả nổi bật trong công tác PCTNTC ở các cấp, các ngành, địa phương; kết quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tuyên truyền rõ bản chất của các vụ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm, phức tạp được Nhân dân quan tâm. Khẳng định đây là công việc được tiến hành cẩn trọng, bài bản; việc xử lý nghiêm CBĐV là vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật và thượng tôn pháp luật; vì sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng, Nhà nước và là ý nguyện của Nhân dân.

Tập trung tuyên truyền những chuyển biến tích cực trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; kết quả xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Chú trọng tuyên truyền góp phần thực hiện tốt Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBĐV trong giai đoạn mới, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sức lan tỏa sâu rộng đối với việc tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi CBĐV.

Bên cạnh tăng cường tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong CBĐV và Nhân dân; tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa trong Đảng; coi trọng xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; phát huy tinh thần tự giác “tự soi, tự sửa”, “tự chịu trách nhiệm” và đề cao trách nhiệm nêu gương - làm cho mỗi CBĐV thấy rõ bổn phận, trách nhiệm, nêu cao danh dự, lòng tự trọng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, nhất là mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, các cơ quan dân cử, hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí… tăng cường tuyên truyền; tăng cường kiểm soát quyền lực; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và việc nêu gương của CBĐV, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và chủ động dự báo, định hướng trước những vấn đề tư tưởng nảy sinh; đồng thời, kiên quyết phê phán, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch, lợi dụng xuyên tạc công tác PCTNTC để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

*

Thực tế cho thấy, những kết quả rất to lớn và đáng trân trọng của công cuộc đấu tranh PCTNTC đạt được thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền. Phát huy những kết quả đạt được, với quyết tâm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm tạo ra luồng sinh khí mới, hiệu quả mới thông qua những đổi mới trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tin tưởng rằng công tác tuyên truyền PCTNTC sẽ tạo ra những chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để cùng chung tay, góp sức ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực - xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh - đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của CBĐV và nhân dân!

TRẦN THỊ THANH HƯƠNG
UVBTVTU, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(1) Tại cuộc Họp báo sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - ngày 03/8/2024. 

(2) Trong phiên họp 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC - ngày 14/8/2024.