Nhằm góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành một Chương quy định về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, trong đó quy định cụ thể về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước và quy định việc áp dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Quy định này thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, đồng thời còn thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là “Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”; quy định tại Bộ luật Hình sự mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước và cũng như yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
Hành vi tham nhũng cũng như chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước là khác nhau. Nếu như khu vực nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định 12 hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện thì đối với khu vực ngoài nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ quy định 03 hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: (1) Tham ô tài sản; (2) Nhận hối lộ và (3) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Để phù hợp với việc mở rộng phạm vi áp dụng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình nhằm bảo đảm liêm chính trong hành nghề, kinh doanh. Các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, có cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.
Đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật khác có liên quan và tình hình đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình có trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong tổ chức mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức quy định cụ thể hình thức công khai, nội dung, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch trong doanh nghiệp, tổ chức mình; quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích, trách nhiệm thông tin, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích; quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.
Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước vi phạm các quy định về áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức đó. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các biện pháp xử lý đối với người giữ chức danh, chức vụ quản lý thì bị cơ quan có thẩm quyền thanh tra công bố công khai về tên, địa chỉ và hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Đỗ Huy Trung
Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2023
Báo cáo Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng Quý I và phương hướng nhiệm vụ Quý II năm 2024
Báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng Quý III và 9 tháng đầu năm 2022
Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 5 năm 2022
Quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn Thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra
Quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng
Quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh
Quy định quy trình tiếp công dân
Quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương
Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;