Những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 trên địa bàn tỉnh An Giang
(Cổng TTĐT AG)- Trên cơ sở bám sát chương trình, kế hoạch năm 2018, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 đạt được những kết quả tích cực.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ban hành văn bản và tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, với 420 văn bản đã được ban hành. Tổ chức 27 lớp và 907 cuộc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, với 28.556 lượt người tham dự; thực hiện đưa tin, tuyên truyền trên chuyên trang phòng, chống tham nhũng của tỉnh, đài phát thanh ở các địa phương và “Ngày pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo duy trì đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Các quy định, giải pháp về phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai đồng bộ gắn với thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng;  Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư về chỉ đạo định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 1666/CT-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đầu năm, các cơ quan, tổ chức và địa phương đã thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; số liệu dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; việc công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… .

Trên cơ sở các nghị quyết phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc phân cấp quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí, mua sắm, sửa chữa tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý sử dụng tài sản, nhất là về định mức, tiêu chuẩn, chế độ công tác phí, sinh hoạt, hội nghị, tiếp khách… theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính và Nghị quyết số 27/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh. 

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục phổ biến, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo các quy định: Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương;  Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Chỉ thị số 07/2013/CT-UBND ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 21/10/2013 của UBND tỉnh ban hành Chương trình xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh,... Trong kỳ, đã thực hiện chuyển đổi 70 vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007, Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP và Quyết định số 408/QĐ-UBND ngày 26/02/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCC,VC thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh.
Kết quả thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập năm 2017, có 62/62  đơn vị trong tỉnh đã triển khai công tác này. Số người phải kê khai là 11.963 người, Tổng số người đã thực hiện kê khai là 11.962 người/11.963 người (đạt tỷ lệ 99,99%). Số người không thực hiện kê khai là 01 người (là viên chức công tác tại Trường Đại học An Giang do trong thời gian tham gia nghiên cứu dự án tại nước ngoài, tuy nhiên đã hoàn thành việc kê khai theo kiến nghị cua UBND tỉnh). Tổng số bản kê khai đã công khai (niêm yết, công bố tại cuộc họp) là 11.962 bản (đạt tỷ lệ 100%); trong đó: Số bản kê khai lưu giữ tại đơn vị là 8.958 bản, số bản kê khai do cấp ủy quản lý là 3.004 bản.

Qua thanh tra công tác tài chính tại một Trường tiểu học, phát hiện thất thoát 383,91 triệu đồng (phát hiện qua hoạt động kiểm tra nội bộ 283,7 triệu đồng và qua hoạt động thanh tra 100,21 triệu đồng). Đến nay, đối tượng đã nộp khắc phục xong. Sau khi xem xét, UBND thành phố Long Xuyên đã kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Hiệu trưởng trường do thiếu kiểm soát trong công tác lãnh, chỉ đạo để xảy ra sai phạm.

Trong năm 2018, cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý 21 vụ 37 bị can, tổng số tiền 36.664,7 triệu đồng: đã kết thúc điều tra chuyển VKS đề nghị truy tố 19 vụ 35 bị can; tiếp tục điều tra làm rõ 02 vụ 02 bị can. Ngoài ra, tiếp tục xác minh làm rõ 03 vụ liên quan đến hành vi tham nhũng.

Tòa án nhân dân thụ lý 06 vụ 42 bị can, đã xét xử 05 vụ 37 bị can, với tổng số tiền 5.674,81 triệu đồng.

Công tác PCTN đã được các cấp ủy, các cấp ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được đẩy mạnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong các hoạt động; kê khai, khai minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân; xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác… được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra trách nhiệm về PCTN được duy trì; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng đi vào thực chất hơn.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thiếu tính hệ thống, thiếu sự gắn kết và phối hợp giữa các cấp, các ngành; nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, nhiều nơi thực hiện chưa thường xuyên; chưa có sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về phòng ngừa tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác PCTN chưa được nâng cao, thiếu kiểm tra thường xuyên trong lãnh đạo, quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc triển khai, thực các giải pháp, phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng có nơi còn lúng túng hoặc có làm nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm. Một bộ phận CB, CC thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu; cố ý làm trái những quy định để vụ lợi. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên nên tình hình vi phạm (nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ…) trong giải quyết công việc liên quan đến công dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một bộ phận doanh nghiệp, người dân vẫn có tâm ý chấp nhận hành vi tham nhũng để được việc mà không kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu.

Trong năm 2019, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; trọng tâm là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm tiếp tục đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên.

Triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, Quy định số 584-QĐ/TU ngày 10/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiểm tra, giám sát việc kê khai, tài sản của cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thuộc cấp mình và cấp dưới quản lý; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 1666/CT-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh. Thực hiện đồng bộ, đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; chú trọng xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thực hiện tốt việc khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng./.

Ngô Thanh Tâm

VĂN BẢN