An Giang: Tăng cường chỉ đạo bảo vệ người tố giác tham nhũng, tiêu cực
(Cổng TTĐT AG)- Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, hơn 86 năm qua Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng.

Responsive image

Pháp luật luôn coi trọng việc bảo vệ người tố cáo (Ảnh minh họa)

Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là quy luật phát triển của Đảng. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Thời gian qua, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, Ðảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm...

Nhằm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành văn bản số 779-CV/TU ngày 23/5/2019 về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước tổ chức quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: 

Thứ nhất, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Văn bản số 779-CV/TU ngày 23/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo vệ người phát hiện, tố giác đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực; Luật Tố cáo năm 2018; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019  của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ người phát hiện, tố giác đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực. 

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân; thực hiện nghiêm việc tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân. Tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che, dung túng người bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo nhưng không làm tròn trách nhiệm; người lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất đoàn kết nội bộ, an ninh chính trị.  

Thứ ba, Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ bảo vệ ngưới tố cáo, người phản ánh, kiến nghị cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức. Phát hiện, làm rõ và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và công khai kết quả xử lý theo quy định. 

Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo; hướng dẫn Thanh tra Sở, ngành, Thanh tra huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

 
Thứ tư, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ có hiệu quả người tố cáo./.
 
CÁC QUY ĐỊNH

* Theo Hiến pháp năm 2013 khẳng định: tố cáo là quyền cơ bản của công dân. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

* Theo Luật Tố cáo năm 2018

Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.

Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

 Đồng thời cũng quy định đối với Cơ quan có thẩm quyền như:

(1) Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.

(2) Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.

(3) Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

(4) Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ.

(5) Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Đối với các Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm sau đây:

(1) Thực hiện kịp thời, đầy đủ yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp không thực hiện được yêu cầu, đề nghị đó thì phải báo cáo hoặc thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do đến cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ;

(2) Báo cáo hoặc thông báo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc bảo vệ cho cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

* Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng. Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Một trong những trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong phòng, chống tham nhũng đó là: (1) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; (2) Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng…

 
Nguồn: 

1- Hiến pháp 2013

2- Theo Luật Tố cáo năm 2018

3- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

4- Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

5- Công văn 540 /UBND-NC ngày  19 tháng  6 năm 2019 về việc bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực  

 
PTAH

 

VĂN BẢN