An Giang: Những kết quả chủ yếu qua sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 Bộ Chính trị và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, qua sơ kết 05 thực hiện (từ năm 2016 đến 31/3/2020), đạt được những kết quả chủ yếu trên địa bàn tỉnh An Giang, cụ thể:

Thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU ngày 04/7/2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 530/KH-UBND ngày 11/10/2016 về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nội dung thực hiện sát với tình hình thực tế tại đơn vị mình.

Nhằm phát huy và quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các theo chủ trương, kết luận, chỉ thị, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy: Kế hoạch thực hiện công tác PCTN hằng năm; Chỉ thị số 1666/CT-UBND ngày 17/6/2016 về tăng cường thực hiện các biện pháp PCTN; Kế hoạch số 485/KH-UBND ngày 08/8/2018 triển khai thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác PCTN đến năm 2020,...

Để tăng cường thực hiện các biện pháp PCTN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 1666/CT-UBND ngày 17/6/2016. Qua gần 04 năm triển khai thực hiện, công tác PCTN có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào thực chất, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị với cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, cơ quan đảng, mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường trong việc giám sát, phản ánh, tố giác, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả thực hiện Chỉ thị đã tác động mạnh mẽ trong việc cải thiện và nâng cao Bộ chỉ số PACA, từ vị trí đứng thứ 14 toàn quốc năm 2016 lên vị trí đứng đầu cả nước năm 2017.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 1714/CT-UBND ngày 24/6/2016 về tăng cường công tác chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, nhất là các kết luận, quyết định thu hồi tiền, tài sản sai phạm, tham nhũng và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức sai phạm. Đặc biệt là đối với các kết luận, vụ việc phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều kịp thời đề nghị khởi tố, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22/3/2012 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

Giữa Thanh tra tỉnh với các cơ quan liên quan (Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án tỉnh, Công an tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy…) đã ban hành 08 quy chế phối hợp. Việc phối hợp giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan có liên quan trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được kịp thời khi có yêu cầu, đảm bảo theo quy chế phối hợp giữa các cơ quan.

Qua sơ kết, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, với 236 lớp, 3.262 cuộc, 133.572 lượt người tham dự. Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trong các chương trình thời sự địa phương, các chuyên mục pháp luật... Các cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục duy trì việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra trách nhiệm người đứng đầu về thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, với 211 cuộc; qua thanh tra, đã kiến nghị chắn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quan tâm đúng mức của người đứng đầu đối với công tác PCTN. Tổng số vụ việc có hành vi tham nhũng là 14 vụ, liên quan 33 đối tượng, với tổng số tiền 7.887 triệu đồng, đã thu hồi 3.373 triệu đồng, đạt tỷ lệ 42,77%.

Đánh giá 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được kịp thời, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí và thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương ngày càng được nâng cao trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng..

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc như hành vi tham nhũng thường xảy ra trong thời gian dài và khi phát hiện được thì số tiền chiếm đoạt các đối tượng đã sử dụng, tiêu xài cá nhân hoặc tẩu tán, nên khó thu hồi được toàn bộ số tiền chiếm đoạt từ hành vi tham nhũng. Có lúc, có nơi nơi còn nặng về xử lý nội bộ, nên khi vụ việc được phát hiện thì thiệt hại đã nghiêm trọng, dẫn đến tài sản tham nhũng khó thu hồi.

Chủ thể của tội phạm có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, hiểu biết về pháp luật nên công tác đấu tranh phát hiện khó khăn.

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị về công tác PCTN chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra thường xuyên trong thực hiện lãnh đạo, quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong công tác phản ánh, tố giác, tố cáo hành vi tham nhũng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Tình hình tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Một số vụ án tham nhũng làm thất thoát tài sản của Nhà nước; công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, số tài sản thu hồi so với tài sản thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra còn thấp.

Trong thời gian tới, An Giang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 18/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII); Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,...

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 530/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU ngày 04/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham những, lãng phí trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, có nhiều dư luận quan tâm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Chú trọng thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Giải quyết kịp thời các vụ việc tố cáo, phản ánh của công dân có liên quan đến hành vi tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác bảo vệ người tố cáo. 

Nâng cao chất lượng hiệu công tác phối hợp của các cơ quan hành chính, tư pháp trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, chia sẽ thông tin giữa cơ quan điều tra với cơ quan tiến hành tố tụng trong xứ lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, nhất là vai trò kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và nhân dân về PCTN; tạo điều kiện để mọi người tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí./.

Lê Phước Thật

VĂN BẢN