Kiểm soát quyền lực góp phần phòng và chống tham nhũng, tiêu cực
Thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ thứ XIII của Đảng đến nay, công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã được Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị hết sức quan tâm và thu được nhiều kết quả quan trọng.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã trao đổi một số nội dung liên quan đến kiểm soát quyền lực; PCTNTC và trách nhiệm của đảng viên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
 
    Phóng viên: Thưa đồng chí, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, chú trọng đến việc kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực để PCTNTC. Vậy, vì sao phải quan tâm như thế?

    Đồng chí Võ Văn Dũng: Tham nhũng chỉ xuất hiện kể từ khi xã hội loài người có quyền lực - Nói rõ hơn là quyền lực luôn có xu hướng tha hóa, khi bị “tha hóa” sẽ sinh ra tham nhũng. Do đó, khi nói tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” là không sai. Chính vì vậy mà quyền lực phải luôn luôn được kiểm soát, là một giải pháp căn cơ để PCTN. Nếu được kiểm soát thì quyền lực được thực thi đúng mục đích và hiệu quả cao nhất, nhằm phục vụ cho cái chung, không bị lạm dụng để tư lợi, tham nhũng. 

    Kiểm soát quyền lực (KSQL) được hiểu là toàn bộ hoạt động nhằm phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những hành vi sai trái trong hoạt động thực thi quyền lực, bảo đảm cho quyền lực được thực hiện đúng mục đích và đạt được hiệu quả cao nhất, không bị lạm dụng, lợi dụng để trục lợi. KSQL chính là PCTNTC từ sớm, từ xa. Vì nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực là suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; mà suy thoái về đạo đức, lối sống là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn”; phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”. Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vừa qua cũng đề cập khá đậm về KSQL để PCTN.
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC trả lời phỏng vấn các phóng viên báo chí

    Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề cập là cần ban hành các quy định KSQL để PCTNTC trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo đồng chí, lý do vì sao phải đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực này? 

    Đồng chí Võ Văn Dũng: Hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là những hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Đảng và được pháp luật quy định trong giải quyết các vụ án, vụ việc, trong phát hiện và xử lý các sai phạm, trong đó có tham nhũng, tiêu cực. Nói cách khác, đây là những cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói: Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì cán bộ đi (làm công tác) chống tham nhũng phải sạch, phải liêm chính, phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ. Mà muốn vậy, ngoài việc đội ngũ cán bộ này tự rèn luyện, tự giữ gìn, thì cần có cơ chế kiểm tra, giám sát đối với chính đội ngũ cán bộ này. Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 3 (khóa XI) nhấn mạnh: Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị PCTN.

    Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị: Đặt ra yêu cầu “tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời vi phạm trong thực thi nhiệm vụ đối với các cá nhân trong cơ quan này”. Thông báo số 12-TB/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh: Tăng cường KSQL, PCTNTC trong các cơ quan PCTNTC. KSQL để PCTN trong các hoạt động này là việc sử dụng các cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm cho các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này được thực hiện nghiêm túc; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm quyền lực trong các hoạt động quan trọng này được thực thi nghiêm minh, đúng mục đích và hiệu quả. 

    Phóng viên: Thực tế thời gian qua cho thấy, để đấu tranh PCTNTC hiệu quả đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu, các cơ quan, từ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đến điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chỉ cần một trong những mắt xích trên phối hợp không tốt sẽ ảnh hưởng đến công tác PCTNTC. Vậy, cần có những biện pháp gì để tăng cường phối hợp giữa các cơ quan này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCTNTC trong tình hình mới?

    Đồng chí Võ Văn Dũng: Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn công tác PCTNTC thời gian qua là phải “phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan có chức năng PCTNTC”. Điều này đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC khẳng định qua các lần tổng kết; được đề cập, phân tích rất rõ trong trong Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư nói về PCTNTC vừa được xuất bản gần đây. Thời gian vừa qua, từ những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn đặt ra mà Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã đưa ra nhiều cơ chế rất hữu hiệu nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có chức năng PCTNTC, cụ thể như: 

    - Cơ chế phối hợp xử lý vụ án, vụ việc theo 05 cấp độ;

    - Cơ chế phối hợp giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án với Cơ quan điều tra;

    - Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án với cấp ủy, ủy ban kiểm tra;

    - Cơ chế chứng cứ rõ đến đâu xử lý đến đó;

    - Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng cấp trên với cấp ủy và các cơ quan tố tụng cấp dưới.

    Ban Nội chính Trung ương làm vai trò đầu mối, khâu nối với các cơ quan hoặc tham mưu Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý những khâu yếu, những khó khăn, vướng mắc lớn trong xử lý các vụ việc, vụ án. Chính vì vậy mà, các cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, cơ bản khắc phục tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC.  Nhất là, đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc (cả việc đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, đến việc áp dụng và vận dụng chính sách hình sự, nhất là việc làm thế nào để xử lý vụ án, vụ việc được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không làm mức xử lý nặng hơn sai phạm của họ. Do vậy, đã đẩy nhanh được tiến độ phát hiện, xử lý rất nhiều các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc 3 cấp độ, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

    Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, yêu cầu các cơ quan có chức năng PCTNTC phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả; “mắt xích” nào yếu thì phải thay thế ngay để tất cả cùng vào cuộc. Cần nói rõ là, vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương là  không làm thay công việc của các cơ quan pháp luật, không chỉ đạo cụ thể về tội danh, mức án mà chỉ định hướng, chỉ đạo các cơ quan chức năng làm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, xử lý nghiêm nhưng có tình, có lý, có sức thuyết phục cao. Để tăng cường phối hợp giữa các cơ quan này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCTNTC  trong tình hình mới cần phải: 

    - Nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; về mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh PCTNTC để phối hợp tốt, bảo đảm “đúng vai thuộc bài”, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phối hợp vừa là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đồng thời còn là nhu cầu của mỗi cơ quan.

    - Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và vai trò đầu mối tham mưu của Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy - với tư cách là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung  ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. 

    - Thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sự phối hợp giữa các cơ quan; đồng thời, phải xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác đấu tranh PCTNTC.

    - Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế phối hợp mà Ban Chỉ đạo Trung ương đã dày công xây dựng trong thời gian qua, nhất là cơ chế phối hợp xử lý các vụ án, vụ việc theo 05 cấp độ; cơ chế chứng cứ, tài liệu rõ đến đâu xử lý đến đó.

    - Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Cụ thể là: 

    + Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.

    + Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên thì phải kịp thời báo cáo và chuyển tài liệu cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra có thẩm quyền để xem xét xử lý theo quy định của Đảng. 

    Phóng viên: Thưa đồng chí, để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và nâng cao hiệu quả PCTNTC ở địa phương, cơ sở, Trung ương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC ở các tỉnh, thành phố. Đến nay, qua 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở đã có những chuyển biến như thế nào và đã khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” chưa?

    Đồng chí Võ Văn Dũng: Thời gian trước đây, cũng có ý kiến cho rằng công tác đấu tranh PCTNTC mới tập trung thực hiện quyết liệt ở Trung ương, còn ở địa phương, cơ sở chưa quyết liệt, chưa có sự chuyển biến rõ nét. Trung ương đã đánh giá rõ nguyên nhân của hạn chế này và đã có nhiều chỉ đạo để khắc phục, trong đó có việc ra chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh, thành phố. Chỉ trong vòng 03 tháng, sau khi Ban Chấp hành Trung ương có chủ trương, trong vòng 2 tháng khi Ban Bí thư có quy định hướng dẫn, thì cả 63/63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động. Điều đó đã thể hiện quyết tâm cao của các địa phương trong công cuộc đấu tranh PCTNTC; thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Hiếm thấy có Nghị quyết nào như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh được thực hiện nhanh chóng và nghiêm túc đến như vậy.

    Ngoài ý nghĩa đó, thì việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn là một dấu mốc quan trọng nói lên hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo PCTNTC của Việt Nam chúng ta được hoàn thiện thêm 1 bước mới. Qua 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đã đạt được những kết quả nổi bật: 

    - Chỉ trong thời gian ngắn, đa số các địa phương đã xây dựng, ban hành xong các quy chế, quy trình, quy định, bảo đảm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo vận hành thông suốt. 

    - Các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; các kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy địa phương về PCTNTC được lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện tốt hơn trước đó; bảo đảm cho các quan điểm, chủ trương, ý chí, quyết tâm PCTNTC của Đảng và Nhà nước ta, của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực sự đi vào cuộc sống. 

    - Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương được tăng cường hơn trước đó.

    - Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực tiếp tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC, nhất là kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra việc chấp hành các kết luận, ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các kết luận của thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Chính điều đó đã có tác dụng thúc đẩy việc chấp hành, góp phần xiết chặt kỷ luật, kỷ cương.

    - Chỉ đạo phát hiện, xử lý và đẩy nhanh tiến độ xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương; nhiều vụ án, vụ việc được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; khởi tố mới nhiều vụ án (Khởi tố cả nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở; điển hình như: Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu,...).

    - Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy, với tư cách là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chủ động tham mưu, thực hiện, hoàn thành nhiều công việc quan trọng, phục vụ triển khai có hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, làm cho công tác PCTNTC ở các địa phương có sự chuyển biến tích cực, đưa công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở ngày càng bài bản, quyết liệt. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp ở địa phương về công tác PCTNTC được nâng lên; niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân ở từng địa phương được củng cố, tăng cường; tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong PCTNTC đã cơ bản được khắc phục, trên nóng dưới cũng đã ấm dần lên, không làm không được.

    Phóng viên: Gần đây có một số ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh PCTNTC làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, không dám làm. Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo đã đề ra những giải pháp gì để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này?

    Đồng chí Võ Văn Dũng: Hiện nay, đang có tình trạng một số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, chúng ta cần bình tĩnh lắng nghe từ cơ sở và phân tích kỹ từng nguyên nhân, không vội quy kết.

    Về tình trạng sợ sai, không dám làm, đùn đẩy, né tránh cần phân biệt rõ ở 02 khía cạnh: 

    - Nếu cán bộ sợ sai, không dám làm sai, đây là điều rất tích cực, nói lên tác dụng của công cuộc đấu tranh PCTNTC của Đảng và Nhà nước ta mang lại (chúng ta chỉ lo ngại khi cán bộ không sợ sai, thấy sai vẫn làm).

    - Còn nếu sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy, né tránh, thủ thế, có tư tưởng “an toàn cho bản thân mình”, mặc kệ cho công việc chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trì trệ, v.v… thì đáng lo ngại, phải chỉ đạo khắc phục càng sớm càng tốt. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể do 03 nguyên nhân chính:

    Nguyên nhân thứ nhất, thể chế, pháp luật của chúng ta tuy đã ngày càng đầy đủ, song vẫn còn không ít văn bản, nhất là văn bản về quản lý kinh tế - xã hội còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa đủ rõ, chưa điều chỉnh hết thực tiễn, thậm chí có những quy định chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi phát triển của xã hội, ít nhiều làm chậm sự phát triển, v.v… Nên khi thực hiện, nhất là các địa phương, thường vận dụng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, cũng là để phát triển. Cách làm ấy, tùy theo góc nhìn có thể có những đánh giá khác nhau (làm trái hoặc có vận dụng sáng tạo). 

    - Chúng ta đang trong quá trình xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, hướng mọi tổ chức, cá nhân phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Do đó, các hành vi làm sai pháp luật phải được xử lý nghiêm nhằm giữ vững kỷ cương. Đây là hướng đi đúng. Nhưng có một nghịch lý: Do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, như đã nói trên, trong một số trường hợp nếu làm đúng quy định có thể không đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, trong một số trường hợp nào đó lại làm chậm sự phát triển, vì quy định hợp pháp nhưng chưa hợp lý; trong một số trường hợp nào đó, nếu làm khác quy định, sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tạo ra sự phát triển, nhưng lại là vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm thì phải bị xử lý. Chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân rất quan trọng làm cho không ít cán bộ chần chừ, thận trọng, không dám làm, phải xin ý kiến cấp trên, cấp dưới, họp đi họp lại, thảo luận nhiều lần khi gặp phải những vấn đề mà pháp luật quy định chưa đủ rõ, còn chồng chéo, chưa phù hợp, v.v… nên mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc của doanh nghiệp và người dân, đồng nghĩa với việc làm chậm sự phát triển của đất nước, của các địa phương.

    - Cũng cần nói thêm rằng, do sớm cảm nhận những vấn đề nhạy cảm, nghịch lý trong thực tiễn nên người đứng đầu Đảng ta - Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đề cập từ rất lâu về quan điểm xử lý sai phạm, đó là xử lý nghiêm nhưng cũng phải nhân văn, nhân nghĩa, nhân tình; phải có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể khi xem xét, xử lý những trường hợp sai phạm, các vụ việc, vụ án, xử lý sao cho tâm phục, khẩu phục.

    - Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN năm 2018 khẳng định: “Việc xử lý sai phạm trong các vụ án, vụ việc vừa qua, phải đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm, xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm; xử lý nghiêm hành vi sai phạm của những người vì động cơ vụ lợi, cá nhân, đồng thời, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, bứt phá, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung”. 

    - Theo đó, Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng được ban hành. 

    - Tuy nhiên, những quan điểm hoàn toàn đúng đắn ấy của Đảng, có những nội dung chưa được thể chế hóa kịp thời, chưa trở thành luật và quy định của Nhà nước nên các cơ quan pháp luật, cơ quan Nhà nước chưa có cơ sở để làm căn cứ xử lý. thời gian qua các cơ quan pháp luật đã xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe rất cao. Những xử lý ấy đúng với pháp luật hiện hành, áp dụng đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Song để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, về thực hiện tư tưởng nhân văn của Đảng, thì những quan điểm của Đảng về xử lý vi phạm như đã nói trên phải sớm được thể chế hóa thành pháp luật, để các cơ quan pháp luật dễ dàng thực hiện.

    - Để giải quyết những bất cập nêu trên, Ban Chỉ đạo Trung ương đã và tiếp tục sẽ tham mưu Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp, còn có tính chất rào cản, tạo sự đồng bộ, thống nhất, dễ hiểu để cán bộ yên tâm thực thi nhiệm vụ. Cần có cách làm sáng tạo trong việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để đáp ứng yêu cầu của đất nước (ban hành 01 luật sửa nhiều luật, ban hành 01 nghị định sửa nhiều nghị định), v.v…

    - Thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thành luật, thành nghị định để thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; sửa đổi Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự và các luật liên quan để những quan điểm của Đảng như đã nói ở trên sớm trở thành pháp luật. 

    Nguyên nhân thứ hai, hoàn toàn thuộc về lỗi chủ quan từ cán bộ và công tác cán bộ của các địa phương. Đó là một bộ phận cán bộ tinh thần trách nhiệm phục vụ không cao, lánh nặng, tìm nhẹ, trước đây có lợi ích thì làm, nay không có lợi ích riêng thì không hăng hái; một số thiếu hiểu biết, không nắm vững chủ trương, quy định nên cũng không dám làm; một số có tư tưởng “thủ thế”, giữ an toàn, “tránh chỗ nguy hiểm” với tư tưởng cơ hội, v.v… Đối với tình trạng này, sắp tới đi đôi với quan tâm giáo dục, truyền lửa cống hiến, mở đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình về chuyên đề “tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không dám làm, v.v…” thì cần điều chỉnh, bố trí lại đội ngũ cán bộ, cần thay thế kịp thời những trường hợp cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn được giao mà không phải vì lý do khách quan đúng theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí tổng Bí thư: Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm.

    Phóng viên: Thời gian tới, quyết tâm đấu tranh PCTNTC được Đảng, Nhà nước và người đứng đầu Đảng ta cam kết, quyết tâm như thế nào? Đưa ra những thông điệp gì mới? Cơ sở, động lực nào để biến cam kết, quyết tâm đó thành hành động thực tế?  

    Đồng chí Võ Văn Dũng: Đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh: Chúng ta không được tự thỏa mãn với những kết quả đạt được về PCTNTC vừa qua, không được chủ quan, nóng vội mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả cao hơn. Đó chính là cam kết, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và người đứng đấu Đảng ta trong đấu tranh PCTNTC.

    Thông điệp mới đó là: “Đấu tranh PCTNTC: Một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở vững chắc để thực hiện quyết tâm đó, biến quyết tâm thành hành động thực tế. Đó là: 

    - Công cuộc đấu tranh PCTNTC đáp ứng yêu cầu khách quan của tình hình đất nước ta; nó trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược.

    - Có sự đồng tình, ủng hộ to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân; sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. 

    - Đấu tranh PCTNTC thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả quan trọng và bài học quý để tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời gian tới. Một trong những kết quả quan trọng ấy là: Bộ máy Đảng - Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh; cán bộ - nhân dân tin Đảng, theo Đảng; đất nước tiếp tục phát triển.

    - Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, sự quyết tâm, quyết liệt, cụ thể, sâu sát của đồng chí Tổng Bí thư là chỗ dựa về mặt chính trị để các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ đấu tranh PCTNTC. 

    Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, lời hứa cao nhất của người đảng viên, công chức nhà nước trước nhân dân là gì? Động lực nào để thực hiện lời hứa đó?

    Đồng chí Võ Văn Dũng: Khi trở thành đảng viên, mọi người đều hứa trước cờ Đảng, cờ tổ quốc là: Tuyệt đối trung thành với Đảng; suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân; đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Lời hứa đó trở thành danh dự, lẽ sống cao cả của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức. Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong giai đoạn Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh PCTNTC, xây dựng Đảng, Nhà nước  ngày càng trong sạch, vững mạnh, thì để thực hiện lời hứa đó, một trong những việc cần làm nhất hiện nay là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, phải liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực, nói đi đôi với làm, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Bởi, chính việc làm này sẽ góp phần nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước, xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, từ đó mới được nhân dân tin yêu, nguyện đi theo Đảng, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, nhân dân ta ấm no, hạnh phúc. Đó cũng chính là mục đích của Đảng. 

    Động lực để thực hiện lời hứa đó là:  

    - Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước là sức mạnh, động lực to lớn để cán bộ, đảng viên, công chức vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện lời hứa trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

    - Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh để bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc, bảo vệ Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; và Người đã dành cả cuộc đời để thực hiện ước muốn đó. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của các thế hệ cha anh chính là sự thôi thúc, là niềm tin để cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay thực hiện lời hứa trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

    - Nhân dân là chủ của đất nước; phục vụ nhân dân là mục tiêu, cơ sở tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là sứ mệnh của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn: noichinh.vn
DT-st

 

VĂN BẢN