Quy chế phối hợp trong công tác trưng cầu giám định tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang
(Cổng TTĐT AG)- Vừa qua, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác trưng cầu giám định tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh An Giang.

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp, tăng cường cơ chế thông tin, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước và các sở, ngành liên quan.

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư pháp, giám định viên tư pháp được trưng cầu giám định; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.  

Việc phối hợp công tác trưng cầu giám định giữa Sở Tư pháp với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được thực hiện theo các nguyên tắc: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan theo quy định của pháp luật; Phải chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ các bên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; Phải đảm bảo chế độ bảo mật thông tin theo quy định pháp luật.

Việc trưng cầu giám định, đánh giá và sử dụng kết luận thực hiện theo các nguyên tắc sau:

 Việc trưng cầu giám định trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật;

 Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định có trách nhiệm tiến hành giám định bảo đảm đúng thời hạn và kết luận cụ thể về nội dung được trưng cầu giám định, chịu trách nhiệm về những nội dung đã kết luận; phải giữ bí mật, không được tiết lộ nội dung thông tin, tài liệu, kết luận giám định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền. Không được lạm dụng việc trưng cầu, thực hiện, đánh giá, sử dụng kết luận giám định để gây cản trở quá trình giải quyết vụ án, vụ việc hoặc làm ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của việc giải quyết vụ án, vụ việc;

Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định từ chối giám định trong trường hợp nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định hoặc có lý do chính đáng khác theo quy định Khoản 2 Điều 11 Luật Giám định tư pháp.

Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định:
 

Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm;

Khi cần truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử;

Khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác;

Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư thực hiện theo quy định Khoản 4 Điều 4 của Thông tư số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13 tháng 12 năm 2017;

Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư gây ra, thì mức độ thiệt hại được xác định theo nguyên tắc lấy tổng chi phí đầu tư dự án trừ đi chi phí hợp lý, hợp lệ hoặc được xác định theo một hoặc trong các cách thức quy định tại Khoản 5 Điều 4 của Thông tư số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13 tháng 12 năm 2017;          

Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và các lĩnh vực khác khi xét thấy cần thiết.

Ngoài các nội dung trên, Quy chế còn quy định trách nhiệm của Sở Tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan trong công tác trưng cầu giám định tư pháp,…

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Nguồn: QCPH số 02/QCPH-STP-CAT-TANDT-VKSNDT ngày 24/7/2018
Phùng Nhung

VĂN BẢN