Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày 13-6 để thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 4. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cho ý kiến một lần nữa trước khi thông qua vào Kỳ họp thứ 6.

Responsive image

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đa số ý kiến tán thành với việc mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng khu vực nhà nước.

 Đồng thời, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2017 của Bộ Chính trị là “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.

Các đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), Bế Minh Đức (Cao Bằng), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, phù hợp xu thế quốc tế cũng như yêu cầu phòng, chống tham nhũng đặt ra trong tình hình hiện nay; đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, hối lộ, nhận hối lộ... đối với người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; đồng thời phù hợp với các công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.
 
    “Việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này còn giúp phát triển bền vững, ổn định nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công,” đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nhìn nhận. Ông đề nghị cùng với việc mở rộng sang khu vực ngoài nhà nước, cần đánh giá tác động, tính khả thi, đồng thời các quy định chặt chẽ, phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, vừa không gây khó khăn đến hoạt động của các chủ thể này.

Nêu ra các lý do tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật ra khu vực tư, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích, thực tiễn hiện nay cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp và làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2010-2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển thực hiện cho thấy, tham nhũng là một trong 5 yếu tố ảnh hưởng nhất đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Để được tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng, một số doanh nghiệp đã trích phần trăm "lại quả" cho cán bộ tín dụng, thường dưới 5% giá trị hợp đồng.

“Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi rửa tiền, sân sau của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua khu vực công,” đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Đại biểu cũng cho rằng tham nhũng trong khu vực tư ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do dự các nhà đầu tư nước ngoài, bởi, các nhà đầu tư nước ngoài không thể dự đoán được trước những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong quá trình kinh doanh, gián tiếp làm chậm sự phát triển của nền kinh tế.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị thận trọng trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự luật bởi phòng, chống tham nhũng trong khu vực công hiện còn chưa làm tốt sẽ khó có nguồn lực, công sức để thực hiện ở khu vực tư.

“Dự luật chỉ bước đầu mở rộng phạm vi ở khu vực tư, giới hạn ở các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng bởi huy động vốn của nhân dân nên cần có sự kiểm soát chứ không phải cả khu vực tư. Nếu nói không rõ, doanh nghiệp, nhân dân và cử tri thấy rằng mình đang đánh lạc hướng, trong khi khu vực công là khu vực cần phải phòng, chống tham nhũng một cách triệt để và hữu hiệu,” đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) tranh luận.
 

Minh bạch trong xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

Về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, đây là vấn đề lớn đang còn ý kiến khác nhau. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là giao cho nhiều cơ quan khác nhau kiểm soát tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan, ngành mình, như vậy sẽ tăng cường được tính tập trung, đồng thời khắc phục được một bước việc tổ chức, kiểm soát tài sản, thu nhập dàn trải thời gian qua.
Cũng có nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 tức là giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.
Ý kiến này chỉ rõ phương án này bảo đảm thẩm quyền kiểm soát được tập trung hơn, nhất là đối tượng có nghĩa vụ kê khai là người giữ chức vụ từ Giám đốc sở trở lên để bảo đảm khách quan, có điều kiện tập trung nhân lực, vật lực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, có trình độ, đáp ứng nhiệm vụ được giao vì Thanh tra Chính phủ cũng là cơ quan quản lý thống nhất dữ liệu quốc gia về kê khai tài sản.

Cũng có ý kiến đề nghị, phải thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát tài sản thu nhập.

Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37), nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ công chức, viên chức Nhà nước lần đầu. Có đại biểu đề nghị trước mắt cần thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào các vị trí, chức vụ có nguy cơ tham nhũng cao, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng để có thể nói, làm thực chất và hiệu quả hơn trong phòng, chống tham nhũng.

Đối với xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, đây cũng là vấn đề mà còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong các đại biểu Quốc hội cũng như trong quá trình soạn thảo dự án Luật.

Đa số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật là xử lý thông qua thu nhập thuế cá nhân, nhưng đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân và tình hình thực tiễn hiện nay, rà soát pháp luật liên quan để đảm bảo sự thống nhất.

Một số ý kiến tán thành phương án 2 là xử phạt hành chính đối với hành vi không trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm đồng thời đề nghị cân nhắc mức phạt cho phù hợp, hạn chế việc phải sửa đổi nhiều luật khác có liên quan.

Cũng có ý kiến đề nghị cho dù áp dụng phương thức xử lý nào thì cũng phải có trình tự, thủ tục, tố tụng tư pháp để đảm bảo tính khách quan, minh bạch do vấn đề này có liên quan đến quyền sở hữu cá nhân của tổ chức, cơ quan theo quy định của Hiến pháp.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã phân tích, làm rõ nội dung như hành vi tham nhũng, các hành vi bị nghiêm cấm, làm rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các cấp, vai trò giám sát của nhân dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, vai trò của báo chí trong dự thảo luật để bảo đảm tính khách quan, công khai trong vấn đề phòng, chống tham nhũng...

P.V
(Tổng hợp)


Nguồn noichinh.vn
DT-st

VĂN BẢN