Kiểm tra, tự kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng - Biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý dấu hiệu, hành vi tham nhũng
(Cổng TTĐT AG)- Hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra nhằm mục đích theo dõi, nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, phát hiện vi phạm, tồn tại (nếu có); tìm ra động cơ, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến những tồn tại vi phạm, tồn tại của cá nhân, tổ chức, đơn vị, chỉ ra những yếu kém bất cập trong quản lý nhằm đưa ra những biện pháp khắc phục, xử lý và xây dựng những biện pháp phòng ngừa.

Kiểm tra là một trong những chức năng của quản lý nói chung, quản lý nhà nước nói riêng, có vai trò to lớn đối với hoạt động quản lý nhà nước. Hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước; là một trong những phương thức bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm các hành vi tham nhũng.

Chính tầm quan trọng của hoạt động kiểm tra mà công tác kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, được quy định tại các Điều 59, 60, 61 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 và Mục 1, Chương 5 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi thì nội dung các quy định này vẫn được giữ nguyên (Điều 56, 57, 58).

Trong giai đoạn 2015 - 2018 (tháng 8/2018), các cơ quan thanh tra nhà nước trong tỉnh đã tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị với 149 cuộc, tại 238 đơn vị, cho thấy: Số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện việc kiểm tra, tự kiểm tra về phòng, chống tham nhũng theo Nghị định số 59/2013/NĐ-CP là 41 (tỷ lệ 17,23%); thực hiện lồng ghép qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là 2 (tỷ lệ 0,84%) và không thực hiện là 195 (tỷ lệ 81,93%).

Kết quả trên thể hiện, số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành công tác kiểm tra, tự kiểm tra còn rất ít (tỷ lệ 18,07%); số cơ quan, tổ chức, đơn vị không tổ chức thực hiện nhiệm vụ này có rất nhiều (tỷ lệ 81,93%). Đây cũng là nguyên nhân làm cho chỉ số thành phần kiểm tra nội bộ về phòng, chống tham nhũng của tỉnh theo Bộ chỉ số PACA 2016 cấp tỉnh đạt điểm rất thấp, có nguy cơ tụt giảm; cũng như việc tự phát hiện tiêu cực, tham nhũng còn hạn chế trong thời gian qua và làm cho biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng chưa mang lại hiệu quả thực sự theo Chỉ thị số 1666/CT-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên, do vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thường tập trung vào công tác chuyên môn, chưa quan tâm quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai cụ thể việc thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng và nhiều nguyên nhân khác.

Bên cạnh đó, nguyên nhân một phần do quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về công tác kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thật cụ thể quy định tại các Điều 59, 60, 61 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (cũng như Điều 56, 57, 58 dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi), cụ thể:

Việc sử dụng cụm từ “thường xuyên”, “kịp thời” mà không quy định cụ thể về thời gian, tần suất kiểm tram tự kiểm tra, về mức độ kịp thời phát hiện tham nhũng có thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách tùy nghi. Đồng thời, việc tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, tự kiểm tra có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị; ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của người trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra; việc này cũng có thể gây khó khăn cho người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện việc kiểm tra, tự kiểm tra. Việc quy định khi phát hiện hành vi tham nhũng thì mới xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan chức năng thì có thể chậm trễ, tạo điều kiện cho việc che dấu hành vi tham nhũng hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, Viện kiểm sát thì có thể phát sinh nhiều việc, có thể không cần thiết.

Luật quy định hình thức kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Tuy nhiên, chưa nêu rõ về việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra thường xuyên để thực hiện trong khoảng thời gian nào. Về căn cứ để thực hiện kiểm tra đột xuất, chỉ cần khi có thông tin về dấu hiệu tham nhũng là đã có thể tiến hành mà không cần phải phát hiện dấu hiệu tham nhũng; tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng được tiến hành kiểm tra đột xuất mà chỉ là nguồn thông tin từ người có tên tuổi, lai lịch rõ ràng hoặc từ cơ quan, tổ chức, đơn vị cụ thể để có tính khả thi; do đó, cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Trước thực trạng trên, nhằm giải quyết và nâng cao hiệu quả biện pháp phòng ngừa tham nhũng qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra về phòng, chống tham nhũng theo quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng và Chỉ thị số 1666/CT-UBND của UBND tỉnh. Đồng thời, cải thiện và nâng cao điểm số chỉ số thành phần kiểm tra nội bộ về phòng, chống tham nhũng theo Bộ chỉ số PACA cấp tỉnh trong thời gian tới, cần có một số giải pháp:

Các cấp, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định phòng ngừa tham nhũng theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng biện pháp phòng ngừa tham nhũng qua kiểm tra, tự kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này trong đấu tranh, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với nhiệm vụ triển khai, thực hiện biện pháp phòng ngừa tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra về phòng, chống tham nhũng trong nội bộ và các đơn vị trực thuộc. Kiên quyết xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu do thiếu quan tâm, không triển khai thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra về phòng, chống tham nhũng theo quy định.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan dân cử, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ sớm ban hành Thông tư quy định đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh (Bộ chỉ số PACA), tiến tới thực hiện đối với cấp huyện. Vì tiêu chí đánh giá về kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ đối với công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những tiêu chí của Bộ chỉ số PACA.

Gộp nội dung quy định về kiểm tra và tự kiểm tra tại Điều 56, 57 dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) thành một điều; bố cục lại Điều 58 của dự thảo. Quy định cụ thể công tác kiểm tra, tự kiểm tra; nêu rõ hơn về việc “thường xuyên”, “kịp thời”; khi phát hiện “dấu hiệu tham nhũng” thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo thẩm quyền, nếu hành vi tham nhũng có liên quan đến tội phạm thì thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, Viện kiểm sát./.

        Ngô Thanh Tâm

VĂN BẢN