Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018: cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương
(Cổng TTĐT AG)- Nhằm phòng ngừa và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; tăng cường sự lãnh đạo, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi, vụ việc, vụ án tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Responsive image

Ảnh: Minh họa

Theo đó, nêu những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2018, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo Công ước Liên Hiệp quốc, Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị; Quy định của Ban Chấp hành Trung ương và Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo năm học 2017-2018.  
 Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng; xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Xử lý nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định của Chính phủ; Nâng cao năng lực, phát huy tốt vai trò của các cơ quan tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai và Quy định số 584-QĐ/TU ngày 10/11/2017 của Tỉnh ủy về việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thuộc cấp mình và cấp dưới quản lý.

Giải quyết triệt để các vụ việc tố cáo có liên quan đến hành vi tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng và các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; bảo hiểm, tài chính doanh nghiệp; mua sắm, sử dụng tài sản công; công tác cán bộ, v.v…Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thông tin, báo chí, phát thanh và truyền hình, chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tình hình về phát hiện, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử những vụ việc, vụ án tham nhũng; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng để tổng hợp, xây dựng báo cáo trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh làm chủ sở hữu, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện có hiệu quả và định kỳ báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định./.

Nguồn: KH số 57/KH-UBND ngày 31/1/2018 của UBND tỉnh
Tin: Thành Nhơn

VĂN BẢN