An Giang: Những kết quả qua công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018
(Cổng TTĐT AG)- Trên cơ sở bám sát chương trình, kế hoạch năm 2018, các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị đã triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong 06 tháng đầu năm 2018 đạt được những kết quả sau:

* Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN

Để triển khai thực hiện công tác PCTN hàng năm theo pháp luật về PCTN, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 31/01/2018 về thực hiện công tác PCTN năm 2018. Bên cạnh đó, ban hành Văn bản số 487/UBND-NC ngày 10/5/2018 triển khai Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo Văn bản số 3564/VPCP-V.I ngày 18/4/2018 của Văn phòng chính phủ.

Trên cơ sở đó, từng cơ quan, tổ chức và địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện. Trong kỳ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng đã ban hành được 190 văn bản có liên quan công tác PCTN, chủ yếu là nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 23/5/2017 UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kế hoạch số 530/KH-UBND ngày 11/10/2016 UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU ngày 04/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; các quyết định thanh tra trách nhiệm về công tác PCTN và báo cáo thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập, việc tặng quà và nộp lại quà tặng, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác…

Các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, quy định pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, với 13 lớp, 427 cuộc, 14.278 lượt người tham dự. Thực hiện đưa tin, tuyên truyền trên chuyên trang phòng, chống tham nhũng của tỉnh, đài phát thanh ở các địa phương và “Ngày pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, duy trì việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tiếp tục tạo sự chuyển biến, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tính tiên phong, gương mẫu về nhận thức, hành động cụ thể của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

* Kết quả thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng

Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, người lao động đầu năm, các cơ quan, tổ chức và địa phương đã thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; việc dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; công tác thi đua, khen thưởng; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; việc kê khai tài sản, thu nhập; việc công khai thủ tục hành chính, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ, thời hạn giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Đồng thời, thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở.

Thông qua thanh tra trách nhiệm về PCTN, UBND thành phố Long Xuyên đã phát hiện sai phạm trong công tác tài chính tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn làm thất thoát số tiền 100 triệu đồng (đối tượng đã nộp khắc phục xong).

Việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn:

Trên cơ sở các nghị quyết phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc phân cấp quản lý, sử dụng ngân sách, kinh phí, mua sắm, sửa chữa tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý sử dụng tài sản, nhất là về định mức, tiêu chuẩn, chế độ công tác phí, sinh hoạt, hội nghị, tiếp khách… theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính và Nghị quyết số 27/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
 

Việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng:

Thực hiện Văn bản số 138/TTCP-C.IV ngày 25/01/2018 của Thanh tra Chính phủ về nắm tình hình, báo cáo việc sử dụng tài sản công, tặng quà và nhận quà tặng không đúng quy định trong dịp Tết Nguyên đán 2018, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 518/UBND-NC ngày 31/01/2018 chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương triển khai, thực hiện nghiêm túc. Qua tổng hợp báo cáo và nắm tình hình, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định về sử dụng tài sản công, tặng quà, nhận quà tặng cũng như nộp lại quà tặng.

Việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức:

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục phổ biến, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo các quy định: Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương;  Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Chỉ thị số 07/2013/CT-UBND ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 21/10/2013 của UBND tỉnh ban hành Chương trình xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh,...

Qua đó, mỗi đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc về đạo đức, tác phong, trang phục, giờ giấc làm việc, có thái độ ứng xử giao tiếp lịch sự, nhất là cán bộ thường xuyên tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, công việc với người dân và doanh nghiệp... từng bước nâng cao văn hóa, văn minh công sở. Song song đó, việc kiểm tra công vụ được duy trì, nhằm kịp thời ngăn chặn, uốn nắn, xử lý các tổ chức, cá nhân có biểu hiện làm trái các quy định về ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, khó khăn, phiền hà trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng:

Tiếp tục thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục vị trí công tác và định kỳ chuyển đổi đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP; Quyết định số 408/QĐ-UBND ngày 26/02/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã rà soát, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi định kỳ vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

Trong kỳ, đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 43 cán bộ, công chức. Việc chuyển đổi định kỳ vị trí công tác đảm bảo theo kế hoạch và trình tự, thủ tục quy định.
 

Việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập:

Thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản thu nhập, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1860/UBND-NC ngày 23/10/2017 triển khai, thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Kết quả có 62/62 đơn vị trong tỉnh đã triển khai thực hiện, với số người phải kê khai tài sản, thu nhập cá nhân năm 2017 là 11.963 người. Tổng số người đã thực hiện kê khai là 11.962 người/11.963 người (đạt tỷ lệ 99,99%). Tổng số bản kê khai đã công khai (niêm yết, công bố tại cuộc họp) là 11.962 bản (đạt tỷ lệ 100%); trong đó: Số bản kê khai lưu giữ tại đơn vị là 8.958 bản, số bản kê khai do cấp ủy quản lý là 3.004 bản.

Việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách:

Qua sai phạm trong công tác tài chính tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn, thành phố Long Xuyên làm thất thoát số tiền 100 triệu đồng, hiện đang tiến hành làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với Hiệu trưởng, do thiếu sót trong công tác lãnh, chỉ đạo để xảy ra sai phạm.

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng:

Đối với sai phạm về tài chính tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn, ông Mến đã nộp trả ngân sách, đã nghỉ việc, sức khỏe yếu; do đó, UBND thành phố Long Xuyên đã xem xét không chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra.

Trong kỳ, cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý điều tra 21 vụ với 24 bị can với số tiền 36.665 triệu đồng. Kết quả: Đã kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố 10 vụ 13 bị can, tiếp tục điều tra làm rõ 11 vụ 11 bị can. Tòa án đã đưa ra xét xử 02 vụ, 34 bị cáo; trong đó: 01 vụ 05 bị cáo về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đã thu hồi số tiền 512 triệu đồng; 01 vụ 29 bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đánh giá công tác PCTN trong kỳ, cho thấy:

Ngay từ đầu năm, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cấp ủy, cơ quan, chính quyền địa phương đã tập trung triển khai thực hiện công tác này. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 31/01/2018 về thực hiện công tác PCTN năm 2018; đồng thời, triển khai Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và các địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai, tổ chức thực hiện.

Nhìn chung, công tác PCTN đã được các cấp ủy, các cấp ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có sự chuyển biến tích cực. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được đẩy mạnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong các hoạt động; kê khai, khai minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân; xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác… được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra trách nhiệm về PCTN được duy trì; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng đi vào thực chất hơn.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.  Một số vụ án tham nhũng làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố còn ít so với tình hình tội phạm tham nhũng trong thực tế, số tài sản thu hồi so với tài sản thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra còn thấp.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN chưa liên tục, thiếu chiều sâu, một số nơi còn mang tính hình thức. Việc cải cách hành chính chưa chú trọng đúng mức về đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ. Việc phát hiện các hành vi tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ và qua công tác giải quyết tố cáo chưa được tăng cường, quan tâm đúng mức.  Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, dàn đều nên tình hình vi phạm (nhũng nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà…) trong giải quyết công việc liên quan đến công dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Việc chứng minh hành vi phạm tội, ý thức chiếm đoạt và mục đích sử dụng tài sản chiếm đoạt gặp nhiều khó khăn, do hành vi tham nhũng diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện. Chủ thể của tội phạm có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, hiểu biết về pháp luật nên công tác đấu tranh phát hiện khó khăn.

* Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Nhất là các văn bản mới được ban hành như: Quy định định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch số 29-KH/TU ngày 13/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/5/2017 của Ban chấp hành Trung ương về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 584-QĐ/TU ngày 10/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thuộc cấp mình và cấp dưới quản lý; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020 và các văn bản quan trọng khác dự kiến ban hành trong năm 2018 như: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi),…

 Thực hiện đồng bộ, đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng ra khỏi bộ máy chính quyền, nhất là trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 1666/CT-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tăng cường thanh tra, tự kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm về PCTN theo kế hoạch, nhất là ở những lĩnh vực, bộ phận dễ xảy ra hành vi tham nhũng; tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến tham nhũng.

Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp của các cơ quan hành chính, tư pháp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tạo điều kiện để mọi người tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng.

Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020./.
                                                                    

  Ngô Thanh Tâm

VĂN BẢN