Tham nhũng là “giặc nội xâm”, dựa vào dân mới chống được tham nhũng
(Cổng TTĐT AG)- Với tầm nhìn sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phát hiện và dự báo về nguy cơ, tác hại của các tệ nạn, tiêu cực xã hội gắn với Nhà nước, với người có chức, có quyền, nhất là trong điều kiện những người đó là đảng viên của một đảng cách mạng, nắm giữ quyền lực.

 Trong các bài nói, bài viết, Người đặc biệt chú ý đến việc giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến sự cần thiết phải chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Những bệnh này thường được Người diễn đạt bằng thuật ngữ “bất liêm”, ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với nhân dân. Theo Người, bản chất của tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, tham lam; tham ô là trộm cướp. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Người chỉ rõ chủ thể của hành vi tham ô không chỉ là cán bộ, công chức - những người nắm chức vụ, quyền hạn nhất định trong bộ máy nhà nước, mà cả người dân bình thường, nếu “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” cũng là chủ thể của hành vi tham ô.

Sâu sắc hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra một hình thức tham ô tinh vi, rất khó nhận biết và khá phổ biến trong cuộc sống đời thường, đó là những hiện tượng thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Người gọi đó là tham ô gián tiếp. Người giải thích: “Thí dụ một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hằng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân”. Điều đó cho thấy, đây là hình thức tham ô đặc biệt, tuy không gây hậu quả nghiêm trọng như những hành vi trực tiếp chiếm đoạt tài sản công, nhưng tham ô gián tiếp xảy ra hằng ngày, thường xuyên, liên tục, làm hoen ố, xấu xí hình ảnh người cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.

Tham ô, lãng phí là những tệ nạn nguy hiểm, là “giặc nội xâm” của đất nước. Do vậy, muốn chống tham ô, lãng phí có hiệu quả, cần phải tìm hiểu nguồn gốc, nguyên nhân của chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”. Người khẳng định tệ quan liêu chính là nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp, là điều kiện của tham ô, lãng phí; nơi nào có tệ quan liêu thì ở đó có tham ô, lãng phí; mà quan liêu càng nặng thì tham ô, lãng phí càng nhiều.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham ô, lãng phí có tác hại rất lớn, là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, “Kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ”. Nó trực tiếp gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, của nhân dân, làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, đến việc cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Tham ô, lãng phí làm tha hoá, biến chất, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, phá hoại tinh thần trong sáng, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: phần đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân viên chức đều trong sạch, tận tụy, đều mang bản chất, đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Họ không ngại gian khổ, hy sinh vì cách mạng, vì nhân dân. Nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên do tham ô, quan liêu, lãng phí, do mưu lợi cá nhân đã thoái hoá, biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Điều này làm giảm sức chiến đấu của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, làm hại cho sự nghiệp cách mạng.

Ngày nay, để bảo vệ tài sản công, chống tham nhũng, lãng phí là bảo vệ tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Dân chủ tức là nhân dân làm chủ, cán bộ là người được giao quản lý tài sản để thực hiện các nhiệm vụ do nhân dân giao phó. Vì vậy, nhân dân có quyền và nghĩa vụ giám sát, phê bình cán bộ, đấu tranh chống mọi biểu hiện tham ô, lãng phí. Sự tham gia của quần chúng quyết định sự thành công của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí. Quần chúng tham gia tích cực, đông đảo thì cuộc đấu tranh càng mang lại hiệu quả cao.

Khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. Người cũng chỉ ra những giải pháp để chống tham ô, lãng phí, quan liêu: muốn đánh thắng nó, phải có chuẩn bị thật chu đáo, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo và điều quan trọng là phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ trung kiên làm nòng cốt để chống. Người cực lực phản đối việc bố trí những người đã “nhúng chàm” làm nhiệm vụ chống tham ô, lãng phí, quan liêu, vì làm như vậy, thực chất là “nối giáo cho giặc”.

Qua hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt vài ba năm gần đây, chúng ta đã đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng và đã giành được những kết quả rất quan trong, 12 đại án đã và đang được xét xử, đưa ra ánh sáng; làm nức lòng nhân dân. Tuy nhiên, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật và nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đã chỉ rõ tham nhũng là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Do đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay vẫn phải kiên quyết, kiên định, kiên trì; phải thực hiện đúng quan điểm của Đảng: Bọn tham nhũng, lãng phí, quan liêu là những kẻ có tội với Tổ quốc, với Nhân dân, phải trừng trị đích đáng. Đó là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh./.

Hòa Bình

VĂN BẢN