Bộ Giao thông vận tải: Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng năm 2015
Năm 2015, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì triển khai 54 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành (35 cuộc theo kế hoạch, 19 cuộc đột xuất).

Responsive image
 

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và xử lý, kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân vi phạm trong các lĩnh vực: quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (đặc biệt là các dự án theo hình thức đối tác công tư); đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp; thanh tra công vụ; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện các kết luận thanh tra; kiểm soát tải trọng, xếp hàng hóa trên phương tiện; đăng kiểm hoạt động xe cơ giới; hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, phương tiện đường thủy nội địa, tàu biển; quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý đường ngang và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt...

Các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải

Đồng thời, qua kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, đã thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền trên 11,4 tỷ đồng; phê bình 12 tập thể, rút kinh nghiệm 37 tập thể, phê bình 14 cá nhân, rút kinh nghiệm 34 cá nhân, khiển trách 03 cá nhân, cảnh cáo 03 cá nhân. Lực lượng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải trên toàn quốc đã tiến hành 151.864 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã xử phạt 138.980 vụ vi phạm với số tiền trên 439 tỷ đồng, tạm giữ 1.188 ô tô, đình chỉ hoạt động 937 bến đò ngang, 445 phương tiện thủy nội địa; giám sát đột xuất được 953 kỳ sát hạch ô tô, 1.237 kỳ sát hạch mô tô.

     Ban Chỉ đạo phối hợp phòng, chống tham nhũng (PCTN) Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức họp định kỳ hàng quý để đánh giá kết quả hoạt động PCTN và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN các quý tiếp theo. Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã triển khai 02 Đoàn kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác PCTN, lãng phí và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tại 20 đơn vị trực thuộc. Qua kiểm tra, đã yêu cầu các đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác PCTN, lãng phí trong thời gian tới. Các đơn vị trực thuộc Bộ đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Luật PCTN,  thành lập Ban chỉ đạo PCTN và xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để làm cơ sở triển khai thực hiện. Một số Cục chuyên ngành đã xây dựng Đề án phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực được giao như: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam. Công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục về PCTN tiếp tục được Bộ GTVT và các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo thực hiện, gắn với việc tổ chức triển khai thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

     Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra thuộc Thanh tra Bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

     Thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã tiếp 195 lượt/287 người (có 01 vụ đông người), tiếp nhận 1.676 đơn. Trong đó, có 09 đơn thuộc thẩm quyền đã được giải quyết, đối với đơn không thuộc thẩm quyền đã hướng dẫn công dân khiếu nại, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không để tồn đọng vụ việc, đơn thư. Bộ đã tiến hành kiểm tra, xác minh tố cáo theo quy định của Luật PCTN, đã xử lý thu hồi về Ngân sách nhà nước tổng số tiền 997 triệu đồng, giảm trừ 659 triệu đồng;  thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và PCTN, đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN thông qua tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền hơn 1 tỷ đồng.

     Trong năm 2016, Bộ Giao thông vận tải sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các chủ thể trong việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, đặc biệt là các lĩnh vực xã hội quan tâm như xây dựng cơ bản, kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe...; việc chấp hành chính sách, pháp luật của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong các lĩnh vực tài chính, quản lý doanh nghiệp; tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức; thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo; công tác tổ chức, quản lý, thực hiện dự án; việc tuân thủ các quy trình, quy phạm trong thi công để đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường khi thi công công trình giao thông. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

     Thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với tinh thần giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng đơn thư, vụ việc. Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; phát hiện và xử lý triệt để vi phạm nếu có.

 

    Tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo điều hành và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, đề cương thanh tra, kiểm tra; chế độ thông tin, báo cáo; xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, cách thức tiến hành và biện pháp tổ chức thực hiện.

     Đẩy mạnh thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực quản lý và các hoạt động của ngành. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và phổ biến pháp luật; nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ thanh tra giao thông vận tải. Quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án phòng, chống tham nhũng trong phạm vi toàn ngành, công khai minh bạch các thông tin có liên quan đến hoạt động thanh tra.

     Tăng cường công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhằm nâng cao chất lượng Kết luận thanh tra và đảm bảo các kết luận thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc. Tăng cường kiểm tra nội bộ và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm, tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ.

     Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Thực hiện tiết kiệm triệt để trong mọi hoạt động, tiết giảm chi tiêu công.

     Các tổ chức Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI).

Trung Kiên

Nguồn: noichinh.vn

VĂN BẢN