Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực
(Cổng TTĐT AG)- Theo Báo cáo về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế 6 tháng năm 2020 của Bộ Tư pháp cho biết, tổng số vụ việc về kinh tế, tham nhũng nói chung tính từ 01/10/2019 đến 31/3/2020 đã thi hành xong 1.679 việc với số tiền 7.746 tỷ 112 triệu đồng.

Các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết ngày 31/3/2020, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã tổ chức thi hành xong 15 vụ việc với số tiền 16.996 tỷ 924 triệu đồng; trong số tiền đã thi hành xong thì số tiền án phí, tiền phạt, truy nộp sung công quỹ Nhà nước hơn 2.576 tỷ 679 triệu đồng; số tiền bồi thường cho các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước hơn 13.449 tỷ 311 triệu đồng…

Responsive image

Hội nghị của bộ Tư pháp về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế 6 tháng năm 2020

Số tiền thi hành án xong tăng nhiều trong 6 tháng đầu năm 2020, điều này phản ánh hiệu quả công tác chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự; các cơ quan tiến hành tố tụng đã quan tâm nhiều hơn tới việc kê biên, phong tỏa tài sản của bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đang tập trung chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành các vụ án có số tiền phải thi hành rất lớn, đã thụ lý trước đó: Phạm Công Danh giai đoạn 2, Hứa Thị Phấn, vụ Phan Văn Anh Vũ… Đến nay, một số vụ việc đã thi hành xong được một lượng tiền lớn: Ngân hàng Xây dựng và Công ty Phương Trang tại TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế: Một số vụ việc, tài sản đã được tòa án kê biên để đảm bảo thi hành án nhưng chấp hành viên chưa kịp thời xử lý; số tài sản được cơ quan Thi hành án dân sự xác minh, truy tìm được ít… Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên là do pháp luật về tố tụng hình sự, phòng, chống tham nhũng, phá sản và thẩm định giá, bán đấu giá còn khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng; một số quy định còn có mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Bên cạnh đó, người phải thi hành án là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kinh nghiệm, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đối phó ngay từ đầu khi thực hiện hành vi phạm tội. Họ chủ động xóa dấu vết, tiêu hủy giấy tờ, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội, lợi dụng sơ hở của quy định pháp luật và hoạt động tố tụng để tẩu tán, che giấu, cất giấu tài sản ở nước ngoài hoặc chuyển nhượng, sang tên, tặng cho người khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án...

Để thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, trong thời gian tới, các cơ quan Thi hành án sẽ tập trung xử lý dứt điểm các tài sản đã được Tòa án kê biên để đảm bảo thi hành án để thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước; thực hiện quyết liệt công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án, nâng cao tỷ lệ thi hành về tiền trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

                                                                                     Thu Hương
Nguồn noichinh.vn
DT-st

VĂN BẢN