Ban Nội chính Trung ương: Sơ kết Quy chế phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương
Ngày 07-6-2017, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

    Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng  ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Hội nghị.
   
    Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và lãnh đạo một số vụ, đơn vị chức năng thuộc 4 cơ quan.
 

Responsive image
 

 Quang cảnh Hội nghị  

    Theo đánh giá tại Hội nghị, năm 2016 và các tháng đầu năm 2017, Ban Nội chính Trung ương và ba cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; giúp Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng năm 2017; phối hợp tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị”; Đề án "Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng"; “Tổng kết việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp để đề xuất sửa đổi, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trong phòng, chống tham nhũng”. Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW ngày 10-5-2016 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tăng cường trao đổi thông tin giữa ba cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và Ban Nội chính Trung ương; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; tổ chức nhiều cuộc họp lãnh đạo chuyên ngành để thống nhất đường lối xử lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp theo đúng cơ chế chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (Ban Nội chính Trung ương chủ trì, tổ chức 10 cuộc họp; Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức nhiều cuộc họp cấp vụ và cấp lãnh đạo liên ngành); phối hợp chặt chẽ trong tham mưu, đề xuất những vụ án, vụ việc đưa vào, đưa ra khỏi diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tham mưu báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Ban Chỉ đạo về đường lối xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; phối hợp tham mưu chỉ đạo quyết liệt trong xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận đặc biệt quan tâm, nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, được dư luận đồng tình, đánh giá cao; quan tâm phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan nội chính địa phương nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng; chỉ đạo khắc phục vướng mắc trong quan hệ phối hợp giữa cấp chuyên viên, vụ, cục…
 

Responsive image
 

Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả mà các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và Ban Nội chính Trung ương đạt được thời gian qua, cũng như việc duy trì, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các cơ quan. Đồng chí cho rằng, thời gian qua, nhất là năm 2016 và các tháng đầu năm 2017, việc thực hiện các Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao ngày càng đi vào nền nếp, đạt được kết quả tích cực, góp phần tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thúc đẩy tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đồng chí cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các Quy chế, như: Việc trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu để phối hợp tham mưu xử lý một số vụ án, vụ việc vẫn chưa chủ động; nhận thức và phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các lực lượng chức năng, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng có nơi, có lúc còn chưa thống nhất..., đồng chí đề nghị các cơ quan cần nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả.
 
    Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện Quy chế thời gian tới, đồng chí nêu rõ: cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 17-4-2017, nhất là phải tập trung khắc phục hạn chế, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao hơn của các cơ quan tố tụng; phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với quyết tâm chính trị cao nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng. 
 
    Đồng chí đề nghị, các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài để sớm kết thúc việc xử lý. Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương chỉ đạo điều tra bổ sung, truy tố, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 03 vụ án còn lại theo đúng kế hoạch tại Thông báo số 30 ngày 17-10-2016; khẩn trương kết thúc xác minh, xử lý 04 vụ việc, điều tra, truy tố 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo... Ban Nội chính Trung ương cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp trong rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản của Đảng và các quy định của pháp luật liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, đặc biệt là vấn đề giám định thiệt hại, định giá tài sản, thu hồi tài sản... Trong năm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã quyết định thành lập 08 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 20 tỉnh theo Kế hoạch số 64-KH/BCĐ ngày 25-4-2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan phối hợp cử những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp cấp lãnh đạo ở các cơ quan tiến hành tố tụng với Ban Nội chính Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ việc; chú trọng phối hợp tổng kết, đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án lớn, phức tạp đã được xử lý dứt điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm trong phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở ngay các cơ quan, đơn vị, địa phương...
 

Responsive image
 

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kết luận Hội nghị

    Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề nghị quán triệt, thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm mà Thượng tướng Tô Lâm đã chỉ đạo, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm công tác phối hợp 6 tháng cuối năm 2017, đó là: (1) Phối hợp triển khai có hiệu quả 08 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo Kế hoạch 64-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo; phối hợp tổng kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ này của Ban Chỉ đạo; (2) Phối hợp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; phối hợp đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp; (3) Phối hợp xây dựng Đề án “Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng” theo Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo vàcơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái, “tự diễn biến ”, “tự chuyển hoá ”trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và các Chương trình, Đề án lớn về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng mà các cơ quan phối hợp được giao chủ trì, phối hợp xây dựng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; (4) Tăng cường phối hợp, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 03 vụ án còn lại theo Thông báo 30-TB/BCĐ của Thường trực Ban Chỉ đạo; sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án: Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Vũ Quốc Hảo, Lâm Ngọc Khuân, Dương Thanh Cường, Phạm Văn Cử; tích cực điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án xảy ra tại ngân hàng Đông Á; kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 04 vụ việc theo Thông báo số 52 của Thường trực Ban Chỉ đạo; (5) Phối hợp trong sơ kết, tổng kết đối với một số vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý dứt điểm thời gian qua để đánh giá, rút bài học kinh nghiệm trong công tác phối hợp xử lý các vụ việc, vụ án; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để khắc phục những sơ hở, bất cập; (6) Tiếp tục tăng cường phối hợp chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan nội chính địa phương nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng xử lý tình hình nổi lên về an ninh - trật tự và những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc về nội chính và tham nhũng; phối hợp kiểm tra việc thực hiện kết luận của các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo; (7) Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa cấp chuyên viên, cấp vụ, cục. Giao Vụ 1 (Ban Nội chính Trung ương) chủ trì, phối hợp với các đơn vị của các cơ quan phối hợp khẩn trương xây dựng và thực hiện Kế hoạch giao ban định kỳ cấp vụ, cục giữa các cơ quan, đơn vị chức năng của Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thực hiện tốt Quy chế này.
 

Responsive image
 

Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị

Đặng Phước

Nguồn noichinh.vn

DT-st

VĂN BẢN