Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng
(Cổng TTĐT AG)- Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị; đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người.

Vì vậy, phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng, nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng.
“Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham  nhũng”.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm việc thực thi có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát. Một mặt, phải tự mình gương mẫu thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền đặc lợi, tự giác chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan hệ gần gũi với quần chúng. Mặt khác, phải có trách nhiệm thể hiện với xã hội, với công chúng một thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế.

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Đối với các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ cần chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo để chỉ đạo xử lý, bảo đảm khẩn trương, đúng quy định của pháp luật. Cần xác định phòng, chống tham nhũng là một công tác trọng tâm, là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ mới sắp đến. Đánh giá cao, khen thưởng những cơ quan, tổ chức, đơn vị tự phát hiện tham nhũng; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị né tránh, dung túng, bao che tham nhũng. Phải thấy rằng, các cơ quan chức năng dù có đủ quyết tâm, điều kiện và phương tiện đến đâu cũng khó có thể phát hiện và xử lý kịp thời, đầy đủ các hành vi tham nhũng nếu đương sự được nội bộ dung túng, bao che.

Đảng bộ tỉnh An Giang tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 với chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ" và chuyên đề của tỉnh về “Kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm”. Trước hết, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả là phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay người cán bộ phải tự cảnh giác với chính mình để vượt qua những tiêu cực, cám dỗ của lợi ích vật chất, cảnh giác trước sự chống phá của kẻ thù. Tình trạng tiêu cực, tham nhũng đang diễn ra rất phức tạp, gây nhiều bức xúc trong Đảng và trong nhân dân; chúng ta đang dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giao dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng; trách nhiệm nêu gương đi đầu trong từng địa phương, đơn vị, cơ quan về phòng, chống tham nhũng là của thủ trưởng. Lấy kết quả phòng, chống tham nhũng ngay tại đơn vị mình để đánh giá sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của người đứng đầu./.

T.P.H

VĂN BẢN