Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng
(Cổng TTÐT An Giang) - Ngày 16-3, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh 2016”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, ngành với phạm vi rộng, tính chất phức tạp. Hướng đến thúc đẩy sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng để “ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” thì nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là công tác đo lường tham nhũng, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Responsive image
 

Quang cảnh Hội nghị

Được sự cho phép của Chính phủ và sẵn sàng hợp tác với ACRC, năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thí điểm áp dụng phương pháp đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của ACRC đối với cấp tỉnh ở Việt Nam. Qua 1 năm triển khai, Dự án “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016” đã đạt những kết quả thiết thực.

 Báo cáo kết thúc Dự án Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 cơ bản đã phản ánh được tình hình công tác phòng, chống tham nhũng tại các địa phương. Dự án là tiền đề nhằm xây dựng các bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp huyện, các bộ chỉ số tại các bộ, ngành, cơ quan sự nghiệp công, doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời là bước đầu tiên để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng.
 
Qua phân tích số liệu cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được 58,11% yêu cầu. Điều này cho thấy còn có khoảng cách rất xa để đáp ứng được mục tiêu phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Chính phủ cũng như người dân đã đề ra. Kết quả trên chỉ ra một điều rất quan trọng là công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh cần phải rốt ráo, tích cực hơn nữa mới mong đạt được thành công.
 
Đối với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, qua đánh giá thì thực tế điểm trung bình cả nước chỉ đáp ứng 65,73% yêu cầu. Mức độ đồng đều trong triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng giữa các tỉnh có sự khác biệt nhau nhiều. Nội dung phòng ngừa tham nhũng đạt điểm cao nhất là việc thực hiện cải cách hành chính đạt 84,67% so với yêu cầu, tiếp đến là việc thực hiện công khai minh bạch ở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nộp lại quà tặng và tặng quà sai quy định có điểm số thấp nhất.
 
Riêng công tác phát hiện tham nhũng, qua kết quả tổng hợp cho thấy, điểm trung bình của cả nước ở nội dung này chỉ đạt 44,08% so với yêu cầu. Công tác phát hiện tham nhũng giữa các địa phương có sự khác biệt rất lớn, phản ánh quá trình nhận thức, chỉ đạo, thực hiện ở các địa phương là không đồng đều.
    
Nhiều địa phương trong năm không phát hiện ra tham nhũng như Nam Định, Lạng Sơn, Hà Giang, An Giang. Bên cạnh đó, công tác phát hiện tham nhũng giữa các tỉnh có khoảng cách lớn, trong khi điểm lớn nhất là 20,8 và điểm thấp nhất là 3.
 
Bên cạnh đó, qua đánh giá việc xử lý hành vi tham nhũng trên các mặt xử lý người đứng đầu, xử lý hành vi tham nhũng và việc xử lý về kinh tế, trung bình cả nước chỉ đạt 30,7%. Việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra còn thấp, chưa đạt được với yêu cầu của việc xử lý hành vi tham nhũng.
 
Thông qua kết quả đánh giá hàng năm, Thanh tra Chính phủ tiến hành nghiên cứu, đánh giá các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng có hiệu quả thấp để làm rõ nguyên nhân, kiến nghị sửa đổi hoặc tăng cường biện pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

                                                                                     Tấn Tuân

VĂN BẢN