Phát hiện và xử lý tham nhũng là khâu yếu trong công tác phòng chống tham nhũng
(ĐCSVN) – Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết Dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội.

Responsive image
 

Hội nghị tổng kết Dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2016. (Ảnh: TH)

Dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (Dự án PACA 2016) năm 2016 gồm có 07 đầu ra, được thực hiện chủ yếu bởi sự phối hợp giữa Cục Chống tham nhũng, PMU thuộc Thanh tra Chính phủ và UNDP Việt Nam. Dự án PACA 2016 được thực hiện bắt đầu từ tháng 12/2015 tới hết tháng 11/2016 với tổng kinh phí là 120,000 USD. Kết quả thành công nhất của Dự án PACA 2016 đó là việc Thanh tra Chính phủ đã ban hành “Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN đối với cấp tỉnh” (PACA 2016).               

Vẫn còn nặng bệnh thành tích trong PCTN

Báo cáo đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh: Đo lường tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN là một nội dung quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước  về PCTN.
 
Cụ thể, sau khi TTCP thực hiện rà soát, đánh giá, điểm trung bình toàn quốc là 58,11 trên 100 điểm cho thấy công tác PCTN ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được 58,11% yêu cầu, còn khoảng cách rất xa để đáp ứng được mục tiêu về PCTN mà Đảng, Chính phủ đề ra.

Điểm công tác PCTN giữa các địa phương cho thấy mức độ đạt được giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa . Ví dụ: tỉnh đạt điểm cao nhất là 77,67 (Lào Cai) thì tỉnh đạt thấp nhất là Vĩnh Long với 43,53 điểm, gấp 3,6 lần mức chênh lệch trung bình, cho thấy cần phải có sự quan tâm thực sự tới công tác PCTN ở cấp tỉnh với chính sách có phân loại và một chương trình hỗ trợ phù hợp thỏa đáng với mỗi nhóm địa phương.

Vấn đề “tâm lý thành tích” còn tồn tại ở một số địa phương có quan điểm “làm đẹp” số liệu để đạt cao. Điều này chứng tỏ qua việc một số địa phương dù không phát hiện sai phạm tham nhũng qua công tác phát hiện, xử lý trong năm 2016 nhưng vẫn yêu cầu nhóm đánh giá địa phương mình chấm điểm tối đa ở nội dung đó.

Phân tích cơ cấu điểm, trong khi công tác quản lý nhà nước về tham nhũng đạt tới 85,15% yêu cầu thì hầu hết các kết quả hành động cụ thể thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng mức độ đáp ứng yêu cầu còn hạn chế. Điển hình, nộp lại quà tặng và tặng quà sai quy định chỉ đạt 34,32% (cả nước duy nhất có UBND tỉnh An Giang qua thanh tra phát hiện 1 đơn vị sai phạm trong việc trích tiền ngân sách mua quà tặng 1,2 triệu); đặc biệt là việc phát hiện, xử lý tham nhũng chỉ đạt được 44,36% và 41,84% so với yêu cầu, thậm chí có tới 7 địa phương (Vĩnh Long, Điện Biên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu,) không đạt điểm xử lý nào, cho thấy đây là khâu yếu trong công tác PCTN tại địa phương.

Hướng tới xây dựng bộ chỉ số PCTN tại các bộ, ngành

Tại Hội nghị, đại diện Thanh tra tỉnh Lào Cai thừa nhận đây là lần đầu thực hiện đánh giá công tác PCTN theo Bộ tiêu chí mới nên địa phương còn lúng túng. Theo đại diện này, cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản đến cấp huyện để có đánh giá toàn diện hơn về công tác PCTN.
 Đồng quan điểm, đại diện thanh tra TP. Hà Nội mở rộng phạm vi đánh giá đối với cấp huyện, cấp xã và bổ sung đánh giá đối với các bộ, ngành trung ương mới đảm bảo tính thống nhất và toàn diện trên các lĩnh vực, ở các cấp.

Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ Phí Ngọc Tuyển cho hay: Thành công của việc triển khai thí điểm đánh giá công tác PCTN dựa trên Bộ chỉ số PACA 2016 là tiền đề bước đầu nhằm xây dựng các bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp huyện, các bộ chỉ số tại các bộ, ngành...từ đó hình thành Bộ công cụ đánh giá công tác PCTN của Việt Nam.

Trên cơ sở báo cáo PACA 2016, các ý kiến kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về những biểu hiện, tác hại của tham nhũng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra  trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng . Đặc biệt, các địa phương tiếp tục đẩy manh, tập trung làm rõ  và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu  để xảy ra tham nhũng; tăng cường kiểm tra, xử lý không bao che, nương nhẹ đối với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ…

Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016 (PACA 2016) được xác định trên 4 nội dung chính: Quản lý nhà nước về công tác PCTN (20 điểm); Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (30 điểm)  và kết quả phát hiện hành vi tham nhũng (25 điểm) và việc xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm).

Bộ chỉ số PACA 2016 được thực hiện 2 bước, cụ thể bước 1 UBND cấp tỉnh tự tiến hành đánh giá công tác PCTN theo hệ thống tiêu chí của Bộ chỉ số, sau đó tổng hợp số điểm đạt được và xây dựng báo cáo theo hướng dẫn, gửi về TTCP; bước 2 tổ công tác của TTCP tiếp nhận các báo cáo đánh giá do các chủ thể được đánh giá gửi đến hồ sơ, xem xét báo cáo và chấm điểm. 

Thu Hằng
Theo : dangcongsan.vn
PTAH(st)

VĂN BẢN