Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng 09 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh An Giang
(Cổng TTĐT AG)- Trên cơ sở bám sát chương trình, kế hoạch năm 2017, các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị đã triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong 09 tháng đầu năm 2017 đạt được nhiều kết quả thể hiện rõ hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCTN; công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN 

Trong 09 tháng đầu năm đã tổ chức tuyên truyền được 03 lớp và 920 cuộc với 28.620 lượt người tham dự. Ngoài ra, thực hiện đưa tin tuyên truyền trên chuyên trang PCTN của tỉnh, đài phát thanh các địa phương và “Ngày pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị. Qua đó đã tạo sự chuyển biến, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tính tiên phong, gương mẫu về nhận thức, hành động cụ thể của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCTN, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi tham nhũng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã ban hành 77 kế hoạch và nhiều văn bản về công tác PCTN như: Kế hoạch tuyên truyền pháp luật về PCTN, quyết định thanh tra trách nhiệm, báo cáo thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập, việc tặng quà và nộp lại quà tặng, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác…

Về Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thông qua hội nghị cán bộ, công chức, người lao động đầu năm, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện việc công khai, minh bạch trong hoạt động về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị; việc dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng; công tác thi đua, khen thưởng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; việc kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân;… Đồng thời, thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở. 

Qua thanh tra trách nhiệm về PCTN, các cơ quan, tổ chức đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động đối với 19 đơn vị trực thuộc.

Việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức
Tiếp tục thực hiện các quy định của Trung ương, địa phương về quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, từng cá nhân, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc về đạo đức, tác phong, trang phục, giờ làm việc, thái độ ứng xử giao tiếp lịch sự, nhất là cán bộ thường xuyên tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, công việc với người dân và doanh nghiệp... từng bước nâng cao văn hóa, văn minh công sở. 

Qua thanh tra trách nhiệm về PCTN, các cơ quan, tổ chức đã tiến hành kiểm tra tại 19 đơn vị. Đồng thời đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 101 cán bộ, công chức.

Về minh bạch tài sản và thu nhập

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã triển khai, thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 theo quy định. Kết quả: 68/68 đơn vị (đạt 100%) trong tỉnh đã triển khai và báo cáo kết quả thực hiện. Số người phải kê khai theo quy định là 11.375 người, tăng 356 người so với năm 2015 (11.019 người), nguyên nhân do sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bổ nhiệm, chuyển công tác, tuyển dụng mới. Tổng số bản kê khai đã công khai (niêm yết, công bố tại cuộc họp) là 11.375 bản (đạt 100%). Số bản kê khai lưu giữ tại đơn vị là 8.756 bản, số bản kê khai do cấp ủy quản lý là 2.619 bản.

Bên cạnh, các cơ quan nhà nước đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập đối với 124 đơn vị. Quá đó đã kiến nghị khắc phục một số hạn chế như: thông tin việc kê khai ghi nhận không đầy đủ, đối tượng thuộc diện phải kê khai thiếu hoặc thừa, phân định cơ quan quản lý bản kê khai chưa đúng quy định...

Về xây dựng và thực hiện quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn

Trên cơ sở nghị quyết phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện phân cấp quản lý, sử dụng ngân sách, xây dựng dự toán thu - chi; kế hoạch đầu tư, mua sắm, sửa chữa tài sản; sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý, sử dụng tài sản phù hợp với quy định hiện hành, tiến hành việc niêm yết công khai quy chế.

Qua thanh tra trách nhiệm về PCTN, các cơ quan, tổ chức đã tiến hành kiểm tra việc xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với 18 đơn vị trực thuộc  và đã kiến nghị, thu hồi 32,67 triệu đồng.

Về cải cách hành chính và đổi mới công nghệ quản lý

Thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Tỉnh giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 05/02/2016), các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ công tác cải cách hành chính của cấp, ngành mình; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cơ sở vật chất, trang thiết bị được bố trí khá đầy đủ theo quy định, đảm bảo hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, ứng dụng chữ ký số trong văn bản điện tử, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng qua văn phòng điện tử (VIC); tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý chuyên ngành; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cũng như hiệu quả xử lý công việc của cơ quan, đơn vị.

Về phát hiện, xử lý tham nhũng, thông qua hoạt động thanh tra, đã phát hiện chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra 03 vụ, 10 đối tượng. Đã thu hồi 943,16 triệu đồng/3.611,38 triệu đồng.

Đánh giá công tác PCTN 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy công tác PCTN đã được các cấp ủy, các ngành, địa phương quan tâm, có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về PCTN được tăng cường và đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng đi vào thực chất hơn.

  Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN ngày càng hoàn thiện, cơ bản đảm bảo hành lang pháp lý để chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCTN.

Công tác thanh tra góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng trên các lĩnh vực và trong các ngành, các cấp, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng,… và thường xuyên tiếp xúc trực tiếp, giải quyết những quyền lợi chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, không thiếu sự quan tâm và thường xuyên kiểm tra, giám sát của Đoàn đại biệu Quốc hội, HĐND và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến tương đối phức tạp, tinh vi hơn; hành vi tham nhũng chủ yếu vẫn diễn ra ở lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, đất đai, ngân hàng… Chỉ số đánh giá công tác PCTN của Trung ương đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện qua 01 năm đầu thực hiện thí điểm ở cấp tỉnh. Song song đó, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy những tồn tại, bất cập của Luật, chờ sửa đổi, bổ sung.

09 tháng đầu năm, tình hình tham nhũng và số lượng các vụ án liên quan tham nhũng có chiều hướng tăng, nhưng mức độ sai phạm ít nghiêm trọng hơn so với cùng kỳ năm trước, mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN. Bên cạnh đó, ý thức, tính tự giác tố giác của người dân về công tác PCTN chưa cao.

Công tác tuyên truyền chưa đồng đều, liên tục, thiếu chiều sâu, đôi lúc mang tính hình thức. Các phương tiện truyền thông chủ yếu đưa tin về các vụ việc tham nhũng; còn các tin, bài về nêu gương điển hình và phổ biến pháp luật về PCTN còn hạn chế, thời lượng thấp, không thường xuyên. 

Việc tự kiểm tra đôi lúc còn hình thức, nể nang, né tránh, vừa xử lý không nghiêm, chưa thúc đẩy sự phát triển thành phong trào PCTN, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng chưa mạnh dạn, quyết liệt.

Một số giải pháp PCTN qua thực hiện có khó khăn, vướng mắc nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh như thời hạn, một số vị trí công tác phải chuyển đổi; minh bạch tính trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; một số nơi thực hiện các kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm toán còn chậm, chưa nghiêm; công tác phối hợp, trao đổi thông tin, báo cáo về PCTN giữa các cấp, các ngành chưa đầy đủ, kịp thời. 

Việc chấp hành chế độ báo cáo, xây dựng và thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh về thực hiện các quy định pháp luật PCTN ở một số đơn vị chưa đảm bảo nội dung, còn chậm so với quy định.

Trong thời gian tới cần chú trọng thực hiện các nội dung như

1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết của Đảng và luật pháp của Nhà nước về PCTN. Đa dạng, sinh động hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về những biểu hiện, tác hại của tham nhũng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội; có phương pháp đánh giá lại hiệu quả của việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.

2- Thực hiện đồng bộ, đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo hạn kỳ; tăng cường công tác kiểm tra công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức công vụ, năng lực, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ…   

3- Tăng cường thanh tra, tự kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm về PCTN theo kế hoạch, nhất là ở những lĩnh vực, bộ phận dễ xảy ra hành vi tham nhũng; tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến tham nhũng. Triển khai và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 03/7/2017 của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng và xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng bị tố cáo.

4- Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp của các cơ quan hành chính, tư pháp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

5- Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 25-KH/TU ngày 18/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Đồng thời, tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 530/KH-UBND ngày 11/10/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU ngày 04/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 23/5/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.

Ngô Thanh Tâm

VĂN BẢN