An Giang quyết tâm phòng, chống tham nhũng
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Thời gian qua, tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng (PCTN), hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thường xuyên, phát huy tốt vai trò giám sát của mặt trận, đoàn thể, báo chí và nhân dân, nâng cao hiệu quả giáo dục, ngăn ngừa sai phạm, đề cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, địa phương và cán bộ công chức, viên chức, góp phần củng cố lòng tin trong nội bộ và nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN.

Responsive image

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao bằng khen của Thanh tra Chính phủ cho các tập thể, cá nhân

Qua hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 1666/CT-UBND của UBND tỉnh (về tăng cường thực hiện các biện pháp PCTN) vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu đối với công tác PCTN được tăng cường; việc công khai, minh bạch trong các hoạt động được chấp hành theo quy định gắn với dân chủ cơ sở. Việc xây dựng, ban hành, thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn, định mức tiêu chuẩn về tài chính và tài sản công có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng ý thức thực hiện đúng quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Hàng năm số người kê khai tài sản, thu nhập đều đạt tỷ lệ 100%, có 2 trường hợp đã được xử lý do kê khai tài sản và giải trình biến động tài sản không đúng quy định.

Chánh Thanh tra tỉnh An Giang Võ Thị Siêu cho biết: các cuộc thanh tra được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm. Qua thanh tra phát hiện và kiến nghị xử lý những vi phạm, thu hồi tiền và tài sản nộp ngân sách Nhà nước và xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân vi phạm. Qua thanh tra phát hiện 8 trường hợp sai phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn với số tiền hơn 8,5 tỷ đồng. Số vụ việc phát hiện dấu hiệu hành vi tham nhũng chuyển cơ quan điều tra 14 vụ, liên quan 33 đối tượng, với tổng số tiền hơn 7,8 tỷ đồng; đã xét xử, tuyên án 10 vụ; xử lý hành chính 2 vụ, thu hồi 3,373 tỷ đồng do hành vi tham nhũng gây ra. Đồng thời, đã xử lý trách nhiệm 25 người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng và 10 cá nhân liên quan; trong đó cảnh cáo 24  người, khai trừ  đảng 1 người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng.

Bà Siêu khẳng định: các biện pháp phòng ngừa tham những được triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Kết quả thực hiện Chỉ thị tác động mạnh mẽ trong cải thiện và nâng cao Bộ chỉ số đánh công tác PCTN cấp tỉnh hàng năm - Bộ chỉ số PACA; đồng thời góp phần cao các số PCI, PAR Index, PAPI hàng năm của tỉnh, trong đó đưa Trục chỉ số 4 về “Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" thuộc số PAPI vào nhóm các tỉnh đạt điểm số cao của cả nước. 

Để đạt kết quả đó, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai công tác PCTN, được các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể hóa và tổ chức khai thực hiện. Việc công khai, minh bạch trong các hoạt động của các đơn vị ngày càng được tăng cường, gắn với thực hiện dân chủ. Các quy trình, trình tự, thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ được niêm yết công khai tại trụ sở và bộ phận “một cửa" ở các cấp chính quyền, nhất là các thủ tục về đất đai, nhà ở, tư pháp, các loại thuế, phí và lệ phí, khiếu nại, tố cáo, cấp phép hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mọi lĩnh vực...; công khai đường dây số điện thoại nóng, hộp thư điện tử. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và ngăn ngừa các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. 

Việc xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý, sử dụng tài sản công được các đơn vị thực hiện rà soát, lấy ý kiến sửa đối, bổ sung hàng năm, đồng thời, rà soát, cắt giảm, đình hoãn hoặc dừng việc mua sắm, đầu tư xây dựng mới các dự án công trình kém hiệu quả, chậm tiến độ, chưa thật sự cần thiết. 

Tổ kiểm tra công vụ tỉnh, huyện thực hiện 109 cuộc về thái độ phục vụ, ứng xử, trang phục, giờ giấc làm việc, kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, thực hiện xin lỗi đối với sai sót, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, nhằm ngăn chặn, kịp thời uốn nắn, nhắc nhở tổ chức, đơn vị, cá nhân có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Từ năm 2016 đến nay tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác 769 cán bộ, công chức, viên chức, qua đó, nhằm phòng ngừa hiện tượng bè phải, "ê kíp", trù dập, lợi ích nhóm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ.

Hàng năm các thủ tục hành chính được rà soát, bãi bỏ hoặc đơn giản hóa và được kiểm soát, niêm yết công khai, chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được nâng cao, mở rộng các loại hình giải quyết thủ tục hành chính đến tận địa chỉ người dân theo Đề án An Giang điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, tiết kiệm chi phí, thời gian, mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần ngăn ngừa hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Công tác PCTN còn được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, UBMTTQVN, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân giám sát thông qua các cuộc họp định kỳ, việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, địa phương, các cơ quan báo chí và phóng viên kịp thời đưa tin, phản ảnh, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các vấn đề phát sinh bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên lâu dài với quyết tâm chính trị cao; xem trọng phòng ngừa tham nhũng là chính thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch trong mọi hoạt động theo quy định pháp luật; gắn PCTN với học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Do đó đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt PCTN, chống suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; 

đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục PCTN trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong các cơ sở giáo dục đào tạo và nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm; phối hợp tốt các cơ quan Đảng, cơ quan tố tụng trong phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh PCTN; đấu tranh với những âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu trang PCTN để chống phá Đảng, Nhà nước. 

Thanh tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của lãnh đạo các ngành, các địa phương trong các lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội. Trong đó cần đi sâu thanh tra việc tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số PCI; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng, về quản lý tài chính, ngân sách, nhằm giữ vững kỷ cương trong việc chấp hành luật ngân sách nhà nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại tố cáo là hết sức quan trọng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, để ổn định an ninh trật tự xã hội với mục đích an dân, phát triển kinh tế cần tiếp tục làm tốt giải quyết khiếu nại phức tạp kéo dài, phải thống nhất trong nội bộ và với trung ương trong giải quyết các đơn thuộc thẩm quyền mới phát sinh, hạn chế thấp nhất tiếp khiếu và tồn đọng, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội./.

Hạnh Châu

VĂN BẢN