2018 là năm đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 13-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và tiến hành thảo luận tại Hội trường. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao thành quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.

Responsive image

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
 

Công tác phòng, chống tham nhũng đã gắn với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp và trong lĩnh vực công tác được cho là “nhạy cảm”.

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử; việc xét xử được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, có 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm (năm 2018 tăng 17 người so với năm 2017; năm 2017 tăng 28 người so với năm 2016), đã có tác dụng răn đe, cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách.

Trong năm 2018, qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 5.396 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 97 người.

Qua hoạt động thanh tra phát hiện 78 vụ, 106 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 14,7% số vụ).

Cơ quan điều tra của lực lượng Công an đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 212 vụ, 488 bị can; tạm đình chỉ điều tra 6 vụ, 12 bị can…

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 340 vụ với 827 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng; tuyên phạt 9 án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017).
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ đã đề cập sát hơn về tình hình đấu tranh phòng, chống nạn tham nhũng. Nội dung báo cáo thể hiện rõ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chú trọng hơn; vấn đề xử lý hành vi tham nhũng đạt tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với mọi năm. Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay; trong đó thẳng thắn chỉ rõ những vướng mắc bắt nguồn từ đâu, nguyên nhân, biện pháp chấn chỉnh.

“Như vậy, năm nay với tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng, tình hình để đánh giá, báo cáo của Chính phủ có sự nghiêm túc, trách nhiệm hơn so với mọi năm. Qua báo cáo này, chúng ta thấy công tác phòng, chống tham nhũng năm nay có bước chuyển rất tích cực”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, mọi năm, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ đều cho thấy tỷ lệ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tỷ lệ phá án tăng không nhiều nhưng năm nay tỷ lệ này tăng 30%. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra truy tố tăng lên, cho thấy các cấp, các ngành đều quyết tâm cao, vào cuộc đồng bộ để xử lý hành vi tham nhũng. Nhờ vậy, nạn tham nhũng đang từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm.

Đánh giá nạn tham nhũng vặt còn nhức nhối mặc dù công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh trong một bộ phận cán bộ thực thi công vụ, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Do vậy, việc chấn chỉnh tình trạng tiêu cực, vòi vĩnh trong cán bộ, công chức phải được đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, công tác thực thi cần được triển khai quyết liệt và đồng bộ.

Nêu giải pháp để công tác phòng, chống tham nhũng không rơi vào tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, đại biểu Lê Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, giải pháp căn bản là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Theo đại biểu, một cơ quan, đơn vị, tổ chức có người đứng đầu chuẩn mực thì chắc chắn việc thực thi pháp luật sẽ nghiêm túc. Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang diễn ra rất mạnh mẽ cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân. Tuy nhiên, từ thực tiễn tại địa phương và cơ sở, đại biểu cho rằng, bản thân người dân cũng phải có trách nhiệm trong việc phát hiện, điều chỉnh hành vi nhằm thực hiện quyết liệt công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh đồng tình với một số ý kiến của đại biểu Quốc hội khác khi nêu tình trạng người dân đều nói phải phòng, chống tham nhũng, phản đối hành vi tiêu cực liên quan đến thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhưng đôi lúc trong công việc hàng ngày, người dân không tự điều chỉnh hành vi, có tiếng nói chung với nạn tham nhũng vặt.

Đại biểu nêu ví dụ: “Chúng ta phản đối cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng tiêu cực, nhũng nhiễu, nhưng trong thực tế vẫn có những người có thói quen, quan niệm là đi đến đâu cũng có phong bì cho cán bộ, công chức để công việc thuận lợi”.

Đại biểu nhấn mạnh đến sự đồng bộ giữa lời nói và việc làm, đồng bộ từ trên xuống dưới, từ cán bộ đảng viên, những người thực thi công vụ đến những người trực tiếp tiếp xúc với công việc đó. Có như vậy, công tác phòng, chống tham nhũng mới có thể “trên cũng nóng, mà dưới cũng nóng”.
                                                                                           

  Thùy Linh
Nguồn noichinh.vn

VĂN BẢN