Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trả lời kiến nghị của cử tri về Luật Phòng, chống tham nhũng
(Cổng TTĐT AG)- Ngày 25/01/2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có công văn số 1079/UBTP14 về việc trả lời kiến nghị của cử tri An Giang gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri đã gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV như sau:

Đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đủ sức đấu tranh PCTN; sửa đổi quy định về kê khai tài sản, trong đó quy định rõ việc công khai kết quả kê khai, tịch thu sung công quỹ những tài sản không kê khai, kê khai không đúng hoặc không giải trình được nguồn gốc; có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với tội danh tham nhũng; bổ sung quy định của pháp luật về việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trả lời như sau:

Luật PCTN được Quốc hội ban hành năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) đã phát huy tác dụng tích cực trong công tác đấu tranh PCTN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, qua tổng kết thi hành luật cho thấy nhiều quy định của luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, trong đó có những hạn chế, bất cập về kiểm soát tài sản, thu nhập, xử lý đối với tài sản không kê khai, kê khai không đúng hoặc không giải trình được nguồn gốc; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp...

Xác định rõ mối nguy hại của tham nhũng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự tồn vong của chế độ, nên chủ trương của Đảng và Nhà nước là tích cực phòng ngừa, phát hiện và xử lý thật nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng. Phúc đáp nhiệm vụ chính trị quan trọng này thì việc sửa đổi Luật PCTN theo hướng tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình hiện nay là việc làm cần thiết. Vì vậy, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, dự án Luật PCTN (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và dự kiến thông qua tại các Kỳ họp tiếp theo. Tiếp thu ý kiến cử tri, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án Luật PCTN (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện các quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là về việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu xây dựng cơ chế xử lý đối với tài sản không kê khai, kê khai không đúng hoặc không giải trình được nguồn gốc... để trình Quốc hội xem xét. Đồng thời kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường thực hiện có hiệu quả pháp luật về PCTN; xử lý thật nghiêm minh hành vi tham nhũng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) và tăng cường mọi biện pháp để thu hồi tài sản thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra cho Nhà nước./.

                                                              Nguyễn Linh

VĂN BẢN