Sơ kết 03 năm (2015 - 2017) thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với kê khai và kiểm soát tài sản
(Cổng TTĐT AG)- Thực hiện Văn bản số 333-CV/BNCTU ngày 28/3/2018 của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện sơ kết 03 năm (2015 - 2017) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Việc lãnh đạo đạo, chỉ đạo đối với kê khai, kiểm soát tải sản

Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/0/2014 của Bộ Chính trị, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định; giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả kê khai minh bạch tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, các cấp ngành, địa phương đã chấp hành việc quán triệt, triển khai thực hiện việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập hàng năm đảm bảo về trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định. Việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập chủ yếu thực hiện thông qua thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan thanh tra. Bên cạnh đó, hàng năm UBND tỉnh phê duyệt tiến hành các cuộc kiểm tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập do Thanh tra tỉnh thực hiện. Trong 03 năm qua đã kiểm tra tại  05 đơn vị, gồm: thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, huyện Phú Tân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Y tế.

Về kết quả kê khai, minh bạch tài sản thu nhập

Năm 2015, có 68 cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương (gọi tắt là đơn vị) phải thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập với tổng số người thuộc diện kê khai đã thực hiện kê khai là 11.019 người (tỷ lệ 100%), tăng 285 người so với năm 2014 (10.734 người).

Năm 2016, có 68 đơn vị đã triển khai thực hiện việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, với tổng số người thuộc diện kê khai đã thực hiện kê khai là  là 11.375 người (tỷ lệ 100%), tăng 356 người so với năm 2015 (11.019 người).

Năm 2017, có 62 đơn vị phải thực hiện việc minh bạch tài sản, thu nhập, với tổng số người thuộc diện kê khai đã thực hiện kê khai là 11.962 người (tỷ lệ 99,99%), tăng 588 người so với năm 2016 (11.375 người); 01 người không kê khai do đang tham gia nghiên cứu dự án tại nước ngoài.

Số người kê khai hàng năm tăng so với cùng kỳ, do qua công tác rà soát, xác định lại việc biến động đối tượng kê khai và do sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, chuyển đổi vị trí công tác, tuyển dụng mới, trúng tuyển vào vị trí việc làm phải kê khai hoặc được bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý.
Việc công khai bản kê khai hàng năm đảm bảo theo quy định với tỷ lệ 100% số bản đã kê khai, với hình thức niêm yết, công bố tại cuộc họp. Đồng thời, qua công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân tại các đơn vị, chưa có trường hợp nào bị phản ánh hoặc tố cáo việc kê khai không đầy đủ, trung thực tài sản, thu nhập. Do đó, chưa phát sinh việc phải giải trình, xác minh, xử lý về tài sản, thu nhập.

* Đánh giá kết quả thực hiện và hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Thủ trưởng các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện Văn bản số 1860/UBND-NC ngày 23/10/2017 của UBND tỉnh, nhất là quán triệt các quy định về minh bạch tài, sản thu nhập theo Nghị định 78/2013/NĐ- CP, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ và thực hiện đầy đủ các bước đảm bảo theo quy trình và thời gian quy định. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập đã nhận thức tinh thần trách nhiệm và hoàn thành việc kê khai cá nhân. Chưa có trường hợp nào bị phản ánh hoặc tố cáo việc kê khai không đầy đủ, trung thực tài sản, thu nhập sau khi thực hiện công khai các bản kê khai. Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan thanh tra, đã kiến nghị các đối tượng thanh tra chấn chỉnh, khắc phục việc xác định thừa, thiếu đối tượng, lập danh sách kê khai chưa đúng quy định; hướng dẫn việc ghi nội dung kê khai và những thiếu sót trong quá trình thực hiện.

*Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Có nơi chưa quan tâm đúng mức công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Một vài đơn vị, bộ phận tổ chức, người được giao phụ trách công tác minh bạch tài sản, thu nhập chưa nắm rõ quy định nên thực hiện còn lúng túng, hướng dẫn chưa đầy đủ, kịp thời đối với người kê khai hoặc xác định đối tượng kê khai chưa chính xác, dẫn đến kê khai thừa đối tượng hoặc khả năng bỏ sót đối tượng thuộc diện kê khai. Vì vậy, qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện, nhất là việc xác định thừa, thiếu đối tượng, lập danh sách kê khai chưa đúng mẫu, ghi nội dung kê khai chưa đảm bảo theo quy định. Cá biệt có 01 trường hợp không thực hiện kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 theo quy định.

Đối tượng thuộc diện phải kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định hiện hành là quá rộng, dàn trãi, khối lượng bản kê khai lớn và thường xuyên biến động nên khó quản lý, theo dõi. Đồng thời, khó kiểm soát tính trung thực của việc kê khai và tính khả thi, hiệu quả của biện pháp kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Chưa có trường nào được phát hiện, xác minh, xử lý trong thời gian qua. Cho thấy việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập còn rất hạn chế. Đồng thời, việc thiếu cơ quan, đơn vị giữ vai trò đầu mối trong thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập, dẫn đến việc kê khai rất hình thức kém hiệu quả và không khách quan. Bên cạnh đó, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết cho công tác kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập khi cần thiết.

Việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ (chồng), con chưa thành niên của người kê khai. Đây là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó, chưa có quy định giải thích cụ thể thế nào là “tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý”, dẫn đến có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau về tính hợp lý trong thực tiễn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác và tích hợp dữ liệu cần thiết phục vụ cho công tác theo dõi biến động, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng chưa được triển khai.

Việc kê khai tài sản, thu nhập về nhà ở thuộc quyền sở hữu của cha, mẹ (kể cả bên vợ hoặc chồng) khi sống chung; tài sản đang thuê, đang quản lý hộ, giữ hộ nếu tổng thời gian sử dụng tài sản đó trong kỳ kê khai từ 6 tháng trở lên là chưa phù hợp vì người kê khai không có quyền sở hữu về tài sản mà thực hiện việc kê khai tài sản của người khác, dẫn đến cùng một tài sản có nhiều người kê khai. Đồng thời, việc kê khai tài sản thuộc sở hữu của người khác sẽ không rõ ràng thông tin về tài sản đó.

* Nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Về chủ quan

Người đứng đầu một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, vì đây là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Bộ phận, công chức, viên chức phụ trách công tác kê khai tài sản, thu nhập chưa am hiểu đầy đủ các quy định pháp luật về khai, minh bạch tài sản, thu nhập, lúng túng trong việc tham mưu, hướng dẫn triển khai và thực hiện.

Đối tượng kê khai chưa nhận thức một cách đầy đủ tầm quan trọng và trách nhiệm của mình đối với việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập.
Nhà nước nói chung, cấp ủy, chính quyền các cấp nói riêng không giám sát, kiểm soát được những biến động về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, không phát hiện, xác minh, xử lý được các khoản thu nhập có nguồn gốc không minh bạch của nhóm đối tượng này.

Về khách quan

Thẩm quyền quản lý, xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập còn phân tán, mang tính nội bộ, thiếu cơ chế kiểm soát từ bên ngoài (theo quy định hiện hành bản kê khai tài sản, thu nhập do bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ, cấp ủy cùng cấp với cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người kê khai và thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập thuộc về thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người kê khai tài sản, thu nhập).

Đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập theo quy định hiện hành là quá rộng, khó quản lý, theo dõi, kiểm soát tính trung thực của việc kê khai.
Không có quy định, chế tài cụ thể việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý và thời hạn người kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ giải trình về tài sản, thu nhập khi có yêu cầu.

Chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, kiểm soát việc kê khai, cũng như chưa có quy định cụ thể việc sử dụng bản kê khai vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Từ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị khắc phục những hạn chế, thiếu sót qua công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; đề nghị Trường Đại học An Giang làm rõ 01 trường hợp không thực hiện kê khai. Bên cạnh đó, kiến nghị với Trung ương:
Trước mắt có hướng dẫn việc công khai bản kê khai hàng năm đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 08/2013/TT-TTCP (gồm: Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; thường trực cấp ủy, ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân; trưởng các ban của cấp ủy, trưởng các ban của Hội đồng nhân dân, các thành viên khác của cấp ủy, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ) so với Quy định số 262-QĐ/TW ngày08/10/2014 của Bộ Chính trị, thì việc công khai bản kê khai tại thời điểm lấy phiếu tín nhiệm định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).

Nghiên cứu thu hẹp đối tượng phải kê khai và hạn chế việc kê khai hàng năm, kê khai bổ sung theo hướng: Chỉ thực hiện kê khai hàng năm đối với người hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên hoặc những người hưởng phụ cấp chức vụ dưới từ 0,9 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao hoặc đối với người ở những vị trí chủ chốt, quan trọng. Kê khai bồ sung đối với người có biến động tăng về tài sản, thu nhập tăng có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

Sớm xây dựng cơ quan chuyên trách về quản lý cơ sở dữ liệu, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức có đủ thẩm quyền xác minh, kết luận và thu hồi tài sản, thu nhập do tham nhũng mà có.

Cần có quy định rõ ràng, cụ thể về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý và thời hạn người kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ giải trình về tài sản, thu nhập; việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng kê khai. Hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác chuyên trách nhằm quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất và hiệu quả hơn./.

Ngô Thanh Tâm

 

VĂN BẢN