Ban Nội chính Trung ương: Tích cực, chủ động, theo dõi, đôn đốc, tham mưu kịp thời các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo
Ngày 13-07-2018, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018. Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có bài phát biểu kết luận Hội nghị. Trang thông tin điện tử Ban Nội chính Trung ương trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu này.

  Kính thưa các đồng chí đại biểu khách mời!
 
    Thưa các đồng chí!
 
    Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi xin có một số ý kiến kết luận như sau:
 
    I. Về đánh giá kết quả sáu tháng đầu năm 2018
 
    Trong 6 tháng đầu năm 2018, bên cạnh những thuận lợi cơ bản; kinh tế phát triển, niềm tin của nhân dân được nâng lên;  chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các thế lực thù địch, số đối tượng phản động, chống đối chính trị trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi, bài bản, quyết liệt về nhân quyền (tự do ngôn luận, tôn giáo), kích động nhân dân, công nhân đình công, biểu tình, bạo động, chống người thi hành công vụ; tiến hành các vụ khủng bố vào cơ quan công quyền, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo…, gây mất an ninh, trật tự ở nhiều địa phương, mang màu sắc của “cách mạng đường phố”, “cách mạng màu”,…
 
    Thực hiện nghị quyết Hội nghị TW6 (khóa XII), chúng ta lại được giao thêm nhiệm vụ là Cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách tư pháp Trung ương; khối lượng công việc được giao là rất lớn, nhiều việc đột xuất, nhạy cảm, phức tạp. Nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các ban, ngành Trung ương và địa phương, chúng ta đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đề ra; chất lượng, hiệu quả công tác được nâng lên. Trong đó nổi bật là:
 
    1- Chủ động xây dựng, tích cực, khẩn trương tham mưu chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2018 của 02 Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương); chuẩn bị chu đáo, có chất lượng nội dung, tài liệu, phục vụ tốt Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo; tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ  2016-2021.
 
    2- Tổ chức tốt hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính Đảng; chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu, và phục vụ tốt Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, được đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao; tham mưu triển khai kế hoạch sơ kết 05 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, kế hoạch sơ kết 05 năm về công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Responsive image

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận

    3- Tích cực, cụ thể, chủ động, quyết liệt hơn trong theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (cả 3 cấp độ) và đạt nhiều kết quả. Tham mưu ban hành Kế hoạch và tích cực theo dõi, đôn đốc để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc trong năm 2018; chủ trì, phối hợp tổ chức 42 cuộc họp án lãnh đạo liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; ban hành 38 văn bản của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhiều vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo; tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo 110 về quan điểm, chủ trương chỉ đạo xử lý 07 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm (1) Vụ án xảy ra tại PVN liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ;

(2) Vụ án xảy ra tại PVC, PVP Land liên quan Trịnh Xuân Thanh; (3) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh; (4) Vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Trốn thuế; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý đất đai”liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm); (5) Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); (6) Vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương;(7) Vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG...); đề xuất BCĐ đưa 04 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tham mưu, chỉ đạo xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 09 vụ án đúng yêu cầu kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo.
 
    4- Hoàn thành Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị về “Sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng"; cơ bản hoàn thành 3 Đề án(1)trình Bộ chính trị trong Quý III và tích cực triển khai xây dựng 03 Đề án(2) khác để trình Bộ Chính trị trong năm 2019; nghiên cứu triển khai 19 đề tài, đề án, chuyên đề về công tác nội chính và PCTN theo Kế hoạch (9 Đề tài, đề án cấp Ban Đảng TW; 10 đề tài, đề án chuyên đề cấp cơ sở). Tham gia với Ban Tổ chức Trung ương về sửa đổi Quy định 183-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của ban nội chính cấp tỉnh.
 
    5- Tích cực nghiên cứu, thẩm định, phát biểu ý kiến về một số Dự án Luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, cải cách tư pháp và PCTN, nhất là dự án Luật PCTN (sửa đổi), Luật tố cáo (sửa đổi), Luật quốc phòng (sửa đổi), Luật an ninh mạng, Luật đặc khu, Đề án đổi mới công tác thi hành án hình sự... Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc đề nghị bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm cấp tướng đối với sĩ quan cao cấp trong Quân đội, Công an và một số chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
 
    6- Công tác theo dõi, hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác nội chính và PCTN ở Trung ương và địa phương có nhiều chuyển biến, nhất là tham mưu, tổ chức tốt Hội nghị giao ban công tác nội chính hàng tháng; tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến những nội dung cơ bản của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự 2015; nắm tình hình, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc nổi lên về an ninh trật tự; các vụ việc, vụ án  tham nhũng, kinh tế còn khó khăn vướng mắc ở một số địa phương; tham mưu ban hành hướng dẫn quy định về đơn vị đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác PCTN của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức ở Trung ương; trình Ban Bí thư Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với tỉnh ủy, thành ủy về công tác nội chính và PCTN.
 
    7- Công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm (Ban được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; tổ chức tốt đợt thi đua đặc biệt chào mừng 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc,..). Hợp tác quốc tế về PCTN được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả; hoạt động thông tin, tuyên truyền của Tạp chí; công tác văn phòng, phục vụ có nhiều cố gắng, phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban.
 
    8- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Kiện toàn Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, bổ sung ban thường vụ và cấp ủy viên; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 (khoá XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nề nếp. Hoạt động Công đoàn, Đoàn thanh niên, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ quan tiếp tục được quan tâm. Nội bộ đoàn kết; nhìn chung các đơn vị quan tâm hơn về đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng cơ quan, đơn vị.
 
    Thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Ban, tôi biểu dương các Vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong 6 tháng đầu năm 2018; trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của ban, ngành Trung ương, địa phương và các cơ quan báo chí trong thời gian qua.    
 
    Thưa các đồng chí!
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của chúng ta trong 6 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, đó là:
 
    1- Việc nắm tình hình ở địa bàn chưa kịp thời, chưa sâu; tính chủ động, nhạy bén trong tham mưu, đề xuất có lúc, có việc còn bị động, lúng túng, nhất là trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
 
    2- Thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm, chất lượng chưa cao, có việc còn kéo dài, nhất là tham mưu hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc của địa phương khi họ xin ý kiến về các vụ án, vụ việc; việc soạn thảo các quy định về nghiệp vụ....
 
    3- Phối hợp giữa các vụ, đơn vị trong một số công việc vẫn chưa tốt, nhất là trong phối hợp tham mưu, đề xuất hướng dẫn xử lý các vụ việc, vụ án ở địa phương.
 
    4- Công tác xây dựng Đảng, hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên vẫn còn những hạn chế như báo cáo đã nêu.
 
    * Nguyên nhân: Khối lượng công việc nhiều; nhiều việc mới, đột xuất, khó, phức tạp, nhạy cảm; Lãnh đạo Ban, vụ còn thiếu; trách nhiệm, tâm huyết, kỹ năng, phương pháp làm việc, kinh nghiệm thực tiễn một số cán bộ còn hạn chế.
 
    II- Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018
 
    Trên cơ sở chương trình công tác cả năm, kết quả sơ kết hôm nay và những vấn đề mới phát sinh, Văn phòng Ban và các đơn vị rà soát, xác định những nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm 2018. Tôi lưu ý và nhấn mạnh một số nội sung sau đây:
 
  1- Khẩn trương chuẩn bị nội dung, phục vụ tốt phiên họp 14 của BCĐ Trung ương về PCTN và các Phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực BCĐ Trung ương về PCTN và của BCĐ cải cách tư pháp Trung ương trong năm 2018.
 
  2- Tập trung tiếp thu, hoàn thành Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15; khẩn trương hoàn thành 03 Đề án trình Bộ Chính trị trong Quý III (trong đó 02 Đề án: Đề án về xây dựng cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và Đề án về xây dựng quy định người đứng đầu cấp uỷ tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất, trình Bộ Chính trị trong tháng 8; Đề án sửa đổi Quyết định 159-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương, trình Bộ Chính trị trong tháng 9). Đẩy nhanh tiến độ xây dựng 03 Đề án trình Bộ Chính trị trong năm 2019 (Đề án mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án về kiểm soát quyền lực để PCTN; Đề án về Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư); triển khai xây dựng Đề án về quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ ngành nội chính, và ngành tư pháp theo Kế hoạch số 10 của Bộ Chính trị về thực hiện nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).
 
  3- Khẩn trương tham mưu Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2018 của BCĐ; hoàn thành Báo cáo sơ kết 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (để thông qua BCĐ tại Phiên họp 14).
 
  Tham mưu, triển khai có hiệu quả 5 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo về kiểm tra việc sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; và hoàn thành báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ này của BCĐ; xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
 
  4- Bám vụ án, vụ việc, khẩn trương, quyết liệt, theo dõi, đôn đốc, tham mưu kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 21 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc trong năm 2018 theo Kế hoạch của BCĐ. Trọng tâm là hoàn thành xét xử sơ thẩm giai đoạn I các vụ án: Vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á; các vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Dương Thanh Cường, Vũ Quốc Hảo và các vụ án, vụ việc xảy ra tại PVC, PVN.
 
  5- Phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước theo dõi, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán làm rõ đúng, sai, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận quan tâm; thanh tra việc quản lý, sử dụng 2.200 tỷ PVN trả nợ cho Vinashin và số tiền 4.190 tỷ Chính phủ tạm ứng cho Vinashin tái cơ cấu; thanh tra các dự án có liên quan đến Đinh Ngọc Hệ.
 
  6- Hoàn thành, ban hành chính thức các tài liệu Hội nghị toàn quốc công tác PCTN vừa qua; tham mưu chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN. Tổ chức tốt Hội nghị giao ban trực tuyến các ban nội chính 6 tháng đầu năm: Đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh hơn nữa công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, nhất là “tham nhũng vặt”.
 
  7- Hoàn thành tài liệu, báo cáo viên, tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nội chính và PCTN; phối hợp với Uỷ ban kiểm tra Trung ương để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho cán bộ của Ban  Nội chính Trung ương và của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy.
 
  8- Nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, thẩm định, tham gia ý kiến đối với các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp và PCTN do các cơ quan chức năng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 02 Ban Chỉ đạo. Tập trung nghiên cứu để tham mưu, đề xuất về Luật PCTN, Luật bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật đặc khu...  
 
  9- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và PCTN ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương. Nhất là kịp thời nắm bắt các vấn đề nổi lên về ANTT, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về tham nhũng, kinh tế, các vụ việc có biểu hiện oan, sai mà báo chí, dư luận xã hội quan tâm để tham mưu lãnh đạo ban xử lý; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN.
 
  Hoàn thành xây dựng bản Ghi nhớ hợp tác với Ủy ban Chính pháp Đảng Cộng sản Trung Quốc về công tác nội chính và PCTN; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về PCTN; tổ chức tốt các đoàn ra, đoàn vào theo Kế hoạch.
 
   10- Tiếp tục tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng Đảng, Đoàn thể, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Rà soát, thực hiện nghiêm túc chương trình, Kế hoạch hành động của Ban về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 (khoá XII); xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII). Hoàn thành xây dựng Đề án vị trí việc làm; các quy chế, quy định nội bộ phù hợp với các quy định mới của Đảng, Nhà nước. Triển khai các công tác cán bộ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; chấn chỉnh công tác bảo vệ bí mật, công tác lưu trữ hồ sơ và những hạn chế, yếu kém trong các đơn vị và từng cán bộ, công chức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các vụ, nhất là Vụ trưởng trong việc chủ động triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
 
    Thưa các đồng chí!
 
   Nhiệm vụ còn lại của sáu tháng cuối năm 2018 là rất lớn, rất mong cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên Ban Nội chính chúng ta nêu cao trách nhiệm, nỗ lực cố gắng cao hơn, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

 

(1) Đề án về cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; Đề án về Quy định người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất….; Đề án về sửa đổi Quyết định 159 về chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính TW.

(2) Đề án về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án về kiểm soát quyền lực để PCTN; Đề án về Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư.
 

Nguồn noichinh.vn
DT-st

VĂN BẢN