Quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
(Cổng TTĐT AG)- Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”.

Việc bảo đảm và tăng cường công khai, minh bạch trong trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là một nội dung hết sức quan trọng, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

So với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, quy định công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực đã được các luật chuyên ngành quy định đầy đủ và chặt chẽ cả về nội dung và trình tự, thủ tục. Để bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không quy định công khai, minh bạch trong các lĩnh vực mà chỉ quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Tại Khoản 4, Điều 3 quy định cụ thể khái niệm về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó là “việc công bố, cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Đồng thời, quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật. 

Nội dung phải công khai, minh bạch bao gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; việc thực hiện chính sách, pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch... Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai để thực hiện công khai như: Công bố tại cuộc họp; niêm yết tại trụ sở; thông báo bằng văn bản; phát hành ấn phẩm; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; tổ chức họp báo; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải có trách nhiêm giải trình đối với quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, chưa toàn diện; trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa rõ ràng, khả thi, chưa gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là biện pháp về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung, điều kiện tiếp nhận, từ chối yêu cầu giải trình, quyền và nghĩa của người yêu cầu giải trình ...

Theo đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định “Trách nhiệm giải trình” là việc “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”. Người thực hiện trách nhiệm giải trình phải là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Nội dung của việc giải trình bao gồm: cơ sở pháp lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục nội dung của việc ban hành quyết định, hành vi trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quy định cụ thể việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân công cá nhân hoặc bộ phận có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu giải trình; tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Người yêu cầu giải trình phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có người đại diện theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu giải trình có người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu giải trình tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có yêu cầu giải trình. Trường hợp người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình; người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật thì người có trách nhiệm giải trình được quyền từ chối tiếp nhận giải trình.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định những nội dung không thuộc phạm vi giải trình như nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật; nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm trong việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công khai, minh bạch thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Người thực hiện nhiệm vụ, công vụ vi phạm quy định về công khai, minh bạch thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo./.

        Đỗ Huy Trung

 

VĂN BẢN