Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng lý luận về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp
Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác tham mưu chiến lược về chủ trương, chính sách của Đảng, góp phần bổ sung, phát triển lý luận về đường lối đổi mới và con đường đi lên CNXH của Đảng, Nhà nước ta.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học chính trị”(1),“đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, tạo bước phát triển mới lý luận về công tác xây dựng Đảng”(2).

Với chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và cải cách tư pháp (CCTP), công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Nội chính Trung ương. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2018, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngành Nội chính Đảng “cần tiếp tục đầu tư nhiều công sức hơn nữa cho việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tích cực tham mưu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng và thực thi pháp luật, trọng tâm là những đề án liên  quan đến lĩnh vực nội chính, PCTN và CCTP”.

Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2022; triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023, ngày 28/02/2023 (ảnh Đặng Phước)

Quán triệt chủ trương của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong những năm qua, Ban Nội chính Trung ương, nhất là đồng chí Trưởng Ban và tập thể lãnh đạo Ban luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban và xây dựng lý luận về công tác nội chính, PCTNTC, CCTP. Nổi bật là: 

Thứ nhất, đã tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, PCTNTC và CCTP, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, PCTNTC và CCTP. Ban Nội chính Trung ương đã tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu chiến lược về nội chính, PCTNTC và CCTP. Đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, từ đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp lớn, mạnh mẽ, quyết liệt về công tác nội chính, PCTNTC và CCTP. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã triển khai nghiên cứu, xây dựng 18 Đề án lớn về công tác nội chính, PCTNTC và CCTP(3). Quá trình triển khai xây dựng các Đề án, đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học công phu, bài bản; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, huy động sự tham của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đất nước(4); tiến hành tổng kết thực tiễn ở phạm vi rộng, thậm chí đến tận cấp cơ sở(5). Do vậy, kết quả nghiên cứu các đề án thực sự là những công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao; giải quyết được nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; nhiều vấn đề được khái quát, chặt lọc thành lý luận. Trên cơ sở đó, đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp lớn, mang tầm chiến lược, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật về nội chính, PCTNTC và CCTP. Nhất là, về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới(6); về sửa đổi  chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC(7);  kiểm soát quyền lực, PCT-NTC(8); cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và xử lý hình sự.

 Đồng thời, quan tâm công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu những quan điểm, định hướng lớn của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm pháp luật phù hợp với cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo là ngành Nội chính Đảng phải “gác gôn” cho Đảng trong lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Riêng trong năm 2023, Ban đã tham mưu biên soạn, xuất bản, ra mắt, phổ biến, quán triệt sâu rộng Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; nghiên cứu tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xây dựng và hoàn thành Báo cáo chuyên đề “Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đấu tranh PCTNTC qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới” và nhiều đề án lớn, nhiều vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn đã được nghiên cứu, kỹ lưỡng, công phu, góp phần quan trọng vào xây dựng và hoàn thiện lý luận về nội chính, PCTNTC và CCTP. 

Thứ hai, đã triển khai nghiên cứu nhiều đề tài, đề án khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ban. Ban đã ban hành chương trình, định hướng nghiên cứu khoa học hằng năm và cả nhiệm kỳ, tập trung đi sâu nghiên cứu, tổng kết những vấn đề mang tính lý luận, thực tiễn và những vấn đề cấp bách đặt ra trong lĩnh vực nội chính, PCTNTC, CCTP. Nhất là, đồng chí Trưởng Ban và lãnh đạo Ban đã tổ chức làm việc với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về định hướng nghiên cứu khoa học của Ban Nội chính Trung ương và chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học của Ban. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ và chương trình công tác của Ban, lãnh đạo Ban đã chủ động giao nhiệm vụ cho Hội đồng khoa học cơ quan và các vụ, đơn vị triển khai nghiên cứu các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học để phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng các Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo, đảm bảo gắn nghiên cứu khoa học với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban, phát huy vai trò đi trước của nghiên cứu khoa học trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban đã triển khai nghiên cứu 23 đề tài, đề án khoa học, trong đó có 22 đề tài, đề án cấp ban Đảng và 01 đề án cấp cơ sở. Riêng năm 2023 đã triển khai nghiên cứu 13 đề tài, đề án(9); đã hoàn thành 09 đề tài, đề án; tổ chức xét duyệt, định hướng nghiên cứu đối với 06 đề tài, đề án năm 2024 để đề xuất Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phê duyệt(10). Trong đó có nhiều nhiệm vụ lớn, yêu cầu nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn rất sâu(11). Các đề tài, đề án được triển khai nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có chất lượng, cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ thiết thực cho công tác tham mưu và công tác nghiệp vụ của Ban, đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng lý luận về công tác nội chính, PCTNTC và CCTP. Đặc biệt, Ban đã chỉ đạo các ban chủ nhiệm đề tài, đề án chắt lọc những vấn đề cốt lõi từ kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã được nghiệm thu để tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu của Ban; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn việc thực hiện các mặt công tác của Ban để biên soạn, xuất bản cuốn Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác ngành Nội chính Đảng.

Thứ ba, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các vụ, đơn vị ngày càng nền nếp, bài bản, hiệu quả hơn, phát huy tinh thần hăng hái, tích cực nghiên cứu của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trẻ. Mặc dù khối lượng công việc của Ban rất lớn, nhưng các vụ, đơn vị luôn dành thời gian, khuyến khích, động viên cán bộ, công chức trong đơn vị tham gia nghiên cứu khoa học; chú trọng nghiên cứu những đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao, có thể áp dụng ngay vào phục vụ nhiệm vụ chính trị chuyên môn của Ban; đồng thời, quan tâm tạo điều kiện để các ban chủ nhiệm chủ động triển khai nhiệm vụ nghiên cứu các đề tài, đề án theo tiến độ. Cán bộ, chuyên viên các vụ, đơn vị còn tích cực tham gia nghiên cứu, có nhiều bài tham luận tại các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học trong và ngoài cơ quan; chủ trì, tham gia biên soạn nhiều cuốn sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ; có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành(12);…

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cán bộ, công chức của Ban đã nghiên cứu, công bố 196 bài viết trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trong đó có 187 bài đăng trên Tạp chí Nội chính (riêng năm 2023 có 56 bài). Điều đó cho thấy cán bộ, công chức của Ban đã ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để nâng cao chất lượng công tác tham mưu về lĩnh vực nội chính, PCTNTC và CCTP.

Thứ tư, vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng, Thường trực Hội đồng và các thành viên Hội đồng Khoa học cơ quan ngày càng được nâng lên. Ban đã sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động và thường xuyên kiện toàn nhân sự khi có sự thay đổi(13), bảo đảm hoạt động của Hội đồng khoa học cơ quan nền nếp, bài bản, chất lượng tham mưu, tư vấn khoa học ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của lãnh đạo Ban và công tác nội chính, PCTNTC, CCTP. Ngoài ra, Hội đồng khoa học cơ quan còn thực hiện nhiệm vụ Thường trực cho Hội đồng Sáng kiến cơ quan trong việc rà soát, tư vấn, thẩm định sáng kiến để tham mưu lãnh đạo Ban xét, quyết định công nhận các sáng kiến hằng năm của cán bộ, công chức trong Ban; phối hợp tham mưu, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng và cộng tác viên Tạp chí Nội chính; tích cực tham mưu, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia, nhà khoa học phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn của Ban; tham mưu chú trọng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về kết quả nghiên cứu khoa học của Ban. 

 Thứ năm, công tác phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trong tổ chức nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhất là đã chủ động, thường xuyên trao đổi, xin ý kiến về các vấn đề liên quan đến định hướng nghiên cứu khoa học; về giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, đề án; tích cực phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học; tham gia ý kiến có chất lượng, chiều sâu đối với nhiều nội dung liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực xây dựng Đảng, nội chính, PCTNTC và CCTP; được Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trong đó có nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về nội chính, PCTNTC và CCTP; do vậy, đòi hỏi công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nội chính, PCTNTC và CCTP cần tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa, góp phần cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn về công tác nội chính, PCTNTC và CCTP phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đối với công tác tham mưu chiến lược của Ban và xây dựng lý luận về công tác nội chính, PCTNTC, CCTP. Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần bám sát chức năng, nhiệm vụ của Ban, tiến hành đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực (nội chính, PCTNTTC và CCTP) và trên cả 3 phương diện là xây dựng luận cứ khoa học để tham mưu ban hành chủ trương, đường lối, chính sách về công tác nội chính, PCTNTC và CCTP; chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả trong từng lĩnh vực chuyên môn và nghiên cứu đổi mới hoạt động của Ban. Trước mắt, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển, hoàn thiện lý luận về lĩnh vực nội chính, PCTNTC và CCTP, đóng góp vào việc tổng kết 40 năm Đổi mới đất nước và xây dựng dự thảo các Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.    

Hai là, tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các đề án lớn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2024 của Ban(14) và các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học đã đăng ký, được phê duyệt, nhất là hoàn thành Đề tài khoa học trọng điểm do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đặt hàng. Làm tốt việc tổng hợp, chắt lọc kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Ban trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban và công tác chuyên môn của các vụ, đơn vị, xem đây là khâu thu hoạch của kết quả nghiên cứu, góp phần nâng cao giá trị nghiên cứu đề tài, đề án. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác, sử dụng các sản phẩm, kết quả nghiên cứu khoa học nhằm góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và giám sát chất lượng nghiên cứu của các đề tài, đề án. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học gắn với tổng kết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là số cán bộ, công chức mới được tuyển dụng từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đảm bảo phát huy tốt vai trò đi trước và tiến hành đồng thời nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ cơ sở khoa học, lý luận, thực tiễn cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ban. Nhất là đổi mới công tác tổ chức nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt các quy định, quy trình nghiên cứu khoa học; tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc của Thường trực Hội đồng khoa học đối với các ban chủ nhiệm đề tài, đề án. Chú trọng xác định các khâu, vấn đề cần quan tâm giải quyết trong quản lý nghiên cứu khoa học, nhất là khâu lựa chọn, giao đề tài, đề án nghiên cứu; đánh giá, nghiệm thu đề tài, đề án; việc ứng dụng sản phẩm, kết quả nghiên cứu. Định kỳ tổng kết, đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để xác định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học cho phù hợp, thực chất. Gắn nghiên cứu khoa học với tổng kết thực tiễn để phát hiện những vấn đề mới, những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Gắn việc sinh hoạt khoa học với sinh hoạt chuyên môn của các vụ, đơn vị để hoạt động này ngày càng đi vào thường xuyên, nền nếp, qua đó giúp tăng “hàm lượng khoa học” trong công tác tham mưu, đề xuất.

Hội đồng khoa học cơ quan cần chủ động, tích cực tham mưu, giúp lãnh đạo Ban tăng cường định hướng, giao nhiệm vụ, đặt hàng đề tài, đề án nghiên cứu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đúng quy định, tiến độ nghiên cứu cũng như tăng cường vai trò, trách nhiệm của các ban chủ nhiệm đề tài, đề án; thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định, đánh giá, nghiệm thu đề tài, đề án; có chế độ, chính sách cụ thể để khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức của Ban tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài, đề án; số hoá hoạt động nghiên cứu khoa học, trước hết là đối với các sản phẩm, kết quả nghiên cứu đề tài, đề án để phục tốt cho việc quản lý, khai thác kết quả nghiên cứu và thông tin khoa học.

 Bốn là, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhất là phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương cũng như với các Ban tham mưu của Đảng để định hướng, lựa chọn, triển khai nghiên cứu các đề tài, đề án trọng điểm, liên ngành, liên cơ quan,… để có tầm nhìn và giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ hơn; góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác nội chính, PCTNTC và CCTP. Phối hợp làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, nghiệm thu đề tài, đề án, bảo đảm trình tự, thủ tục quy định; khắc phục tình trạng chậm tiến độ, xin gia hạn nghiên cứu; thực hiện đúng quy định về thanh quyết toán kinh phí đề tài, đề án.

Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng đề tài; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt khoa học; các hoạt động khảo sát, điều tra phục vụ nghiên cứu, triển khai các đề tài, đề án. Làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo Ban, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan tổ chức việc xét công nhận sáng kiến hằng năm đối với cán bộ, công chức trong Ban, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Ngoài ra, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu của các đề tài, đề án; nâng cao chất lượng nội dung các bài viết, nhất là các bài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về lĩnh vực nội chính, PCTNTTC và CCTP đăng trên Tạp chí Nội chính.

 Năm là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, nghiên cứu khoa học; có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy tối đa tiềm năng nghiên cứu khoa học, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ tham mưu; đồng thời, phát huy tính dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động chuyên môn, đi đôi với tăng cường kỷ cương, để công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học thực sự là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ tham mưu cấp chiến lược của Đảng.

Đồng chí Đặng Văn Dũng
(Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Hội đồng khoa học Cơ quan Ban Nội chính Trung ương)

    (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H.2021, t.1, tr.140.
    (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.2, tr.245.
    (3) Trọng tâm là các Đề án: (1) “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; (2) “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN”; (3) “Kiểm soát quyền lực để PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”; (4) “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN”; (5) “Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC”; (6) “Thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh”; (7) “Về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương”; (8) “Về tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đấu tranh PCTNTC qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”; (9) “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản thu nhập”...
    (4) Điển hình là Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã huy động 10 chuyên gia, nhà khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước tham gia Tổ Biên tập; tổ chức 03 hội thảo quốc gia, 06 tọa đàm chuyên sâu, 03 hội nghị khu vực lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy, 09 cuộc làm việc, trao đổi, thảo luận với 10 cơ quan, tổ chức ở Trung ương; nghiên cứu, tổng hợp gần 200 lượt ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn.
    (5) Như tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012-2022.
    (6) Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. 
    (7) Ngày 10/5/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Ngày 02/6/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
    (8) Trên cơ sở đề xuất của Đề án, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xây dựng pháp luật; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 
    (9) Trong đó có 11 đề tài, đề án cấp ban Đảng, 01 đề tài cấp ban Đảng trọng điểm và 01 đề án cấp cơ sở.
    (10) Gồm 03 đề án cơ sở và 03 đề tài cấp ban Đảng.
    (11) Điển hình như: (1) Đề tài trọng điểm “Công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương về lĩnh vực nội chính qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới - Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”; (2) Đề tài “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; (3) Đề tài “Đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới các mục tiêu “không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”;…
    (12) Như: Tạp chí Nội chính, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Luật học, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Quản lý Nhà nước, Tạp chí Kiểm toán,...
    (13) Quy chế số 04-QC/BNCTW, ngày 22/8/2023 của Ban Nội chính Trung ương.
    (14) Gồm 11 Đề án.

Nguồn noichinh.vn
DT-st

 

 

VĂN BẢN