An Giang: Chỉ số PAPI năm 2020 tăng 7 bậc so cả nước và tăng 02 bậc trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Sáng 14/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2020.

Theo kết quả công bố, 16 tỉnh, thành phố có Chỉ số PAPI 2020 đạt điểm cao nhất tập trung ở các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.  Kết quả năm 2020, An Giang thuộc nhóm “Cao nhất” với điểm số 43,852 điểm; xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2019) và xếp hạng 3/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (tăng 2 bậc so với năm 2019).

Responsive image

An Giang có chỉ số PAPI năm 2020 xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố cả nước

Responsive image

Kết quả 8 chỉ số lĩnh vực nội dung PAPI An Giang năm 2020

Đối với 8 chỉ số nội dung PAPI năm 2020, kết quả An Giang có 4/8 chỉ số nội dung tăng so với năm 2019 bao gồm tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; 4/8 chỉ số nội dung giảm điểm so với năm 2019 bao gồm thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Responsive image

Điểm theo lĩnh vực so sánh giữa năm 2020 và năm 2019

Theo đánh giá, An Giang là một trong những tỉnh có nhiều tiến bộ trong năm 2020 so với năm 2016 về chỉ tiêu “Tham gia của người dân vào việc ra quyết định xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương”.

Về kiểm soát tham nhũng, An Giang là 1 trong 7 tỉnh phía Nam có chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” thuộc nhóm “Cao nhất”.

Về chỉ số  “Cung ứng dịch vụ công ở cấp tỉnh” và “Quản trị môi trường”, An Giang có giảm điểm, nhưng vẫn là một những tỉnh thuộc nhóm “Cao nhất”. Cụ thể, Chỉ số  “Cung ứng dịch vụ công ở cấp tỉnh”, An Giang là trong 5 tỉnh phía Nam thuộc nhóm “Cao nhất”. Về quản trị môi trường, An Giang là 1 trong 7 tỉnh phía Nam thuộc nhóm “Cao nhất”.

Về “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, An Giang tăng từ 5,06 điểm (năm 2019) lên 5,11 điểm (năm 2020). Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” gồm bốn chỉ số thành phần, gồm (i) tiếp cận thông tin; (ii) công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; (iii) công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; và (iv) công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất. Đây là những lĩnh vực chính quyền các cấp phải thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Đất đai (sửa đổi năm 2013), Luật Ngân sách nhà nước (năm 2015) và Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), nhằm đảm bảo quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, điểm nội dung thành phần “Tiếp cận thông tin” của các tỉnh, thành phố đều thấp.

Responsive image

Chỉ số về công khai, minh bạch, An Giang có sự tăng điểm so năm 2019

 Về trách nhiệm giải trình với người dân. Ở chỉ số này, An Giang tăng từ 4,63 (năm 2019) lên 4,76 (năm 2020). Chỉ số này, đo lường hiệu quả của các cuộc tiếp xúc công dân của các cấp chính quyền theo quy định của Luật tiếp công dân 2013 và về tính chủ động của công dân và chính quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp các cấp chính quyền đánh giá phần nào hiệu quả thực thi Luật Khiếu nại 2011 và Luật Tố cáo 2011. Đồng thời, đánh giá mức độ tin tưởng vào tòa án và cơ quan tư pháp địa phương, việc tiếp cận tòa án địa phương hoặc các cơ chế phi tòa án khi người dân cần giải quyết các tranh chấp dân sự.

Responsive image

An Giang là 1 trong 7 tỉnh phía Nam có chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công thuộc nhóm “Cao nhất”

Responsive image

An Giang là một trong 5 tỉnh phía Nam có chỉ số cung ứng dịch vụ công ở cấp tỉnh thuộc nhóm “Cao Nhất”

Responsive image

An Giang là 1 trong 7 tỉnh phía Nam có chỉ số về quản trị môi trường thuộc nhóm “Cao nhất”

Về thủ tục hành chính công, An Giang thuộc nhóm “Trung bình thấp”, với số điểm giảm từ 7,58 điểm (năm 2019) xuống 7,32 điểm (năm 2020). Chỉ số nội dung này đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống của người dân; đánh giá mức độ chuyên nghiệp và khả năng đáp ứng yêu cầu của người dân đối với dịch vụ hành chính công.

Về quản trị điện tử, An Giang giảm điểm từ 3,68 xuống 2,44 và hiện đang thuộc nhóm “Thấp nhất”. Chỉ số này đo lường các khía cạnh mang tính tương tác của chính quyền điện tử: mức độ sẵn có, khả năng sử dụng và khả năng đáp ứng của dịch vụ công trực tuyến cũng như mức độ tiếp cận thông tin về quy trình, thủ tục, chính sách người dân cần tuân thủ, và điều kiện sử dụng Internet của người dân—môi trường thiết yếu để người dân tham gia quản trị điện tử. 

Báo cáo đánh giá cũng cho biết, kết quả khảo sát cơ sở đo lường mức độ sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia tại www.dichvucong.gov.vn sau một năm hoạt động chính thức. Kết quả khảo sát cho thấy, trong năm 2020, có 4% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong số này, cán bộ, công chức làm trong các cơ quan Nhà nước chiếm 1,9% và người làm trong các doanh nghiệp dịch vụ tư nhân chiếm 0,65%. Trong đó, khoảng 26% làm thủ tục hành chính cho cá nhân hoặc gia đình; 58% sử dụng để tìm kiếm thông tin về quy trình, thủ tục làmthủ tục hành chính. Chỉ tiêu này sẽ tiếp tục được đo lường trong các năm tiếp theo để đánh giá mức độ tích cực của các tỉnh, thành phố trong việc tích hợp các cổng dịch vụ công trực tuyến địa phương vào cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài các kết quả của chỉ số PAPI, báo cáo đánh giá PAPI năm nay còn nêu những vấn đề người dân mong muốn Nhà nước tập trung giải quyết trong giai đoạn tới sau một năm nhiều thách thức do tác động của đại dịch COVID-19; về di cư và tiếp nhận nhập cư nội địa; về bình đẳng giới trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2021. Theo báo cáo, 06 tỉnh với dòng người di cư ra khỏi địa bàn tỉnh lớn nhất toàn quốc gồm Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu.

Đại dịch COVID-19 và thành công của Việt Nam trong khống chế dịch bệnh là những chủ đề được chú ý trong năm 2020. Kết quả nghiên cứu, cho thấy thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch là nhờ những nỗ lực trong mở rộng không gian thúc đẩy quản trị hiện đại có sự tham gia của xã hội trong thập niên qua. Trong nhiều biện pháp Chính phủ Việt Nam đã đưa vào thực hiện nhằm ngăn ngừa COVID-19, sự đồng hành và tin tưởng của người dân giúp biến những biện pháp chặt chẽ đó thành thực tiễn với kết quả tích cực trong kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, những nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực tới nền kinh tế, trong đó có chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng trị giá cam kết 62 nghìn tỉ VNĐ.

Theo đánh giá của PAPI 2020, không có tỉnh, thành phố nào có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở toàn bộ 8 chỉ số nội dung PAPI năm 2020. Điểm thấp nhất cấp tỉnh năm 2020 thấp hơn so với 2019 ở ba chỉ số nội dung  bao gồm tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định và cung ứng dịch vụ công. Riêng điểm chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” cấp tỉnh sụt giảm cả ở điểm cao nhất và điểm thấp nhất so với năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền các cấp ở các tỉnh, thành phố không thực hiện đồng đều các chức năng, nhiệm vụ trong thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công cho người dân, dẫn tới khoảng cách hiệu quả hoạt động công vụ ở những lĩnh vực nội dung quan trọng có xu hướng lớn hơn.

PAPI là công cụ phản ánh hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, với sự tham gia của người dân trong giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, được thực hiện từ bên ngoài khu vực Nhà nước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.  PAPI là kết quả tổng hợp của 8 chỉ số lĩnh vực nội dung và 29 chỉ số nội dung thành phần. Theo đó, chỉ số PAPI 2020 được tổng hợp từ phỏng vấn trực tiếp 14.424 người dân có hộ khẩu thường trú ở các địa phương trên phạm vi toàn quốc về trải nghiệm của họ khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công./.

Phan Thanh

 

VĂN BẢN