Kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2015
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), gắn với quán triệt việc thi hành Hiến pháp năm 2013, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung về PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014 và các luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội Khóa XIII.

Responsive image


Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Các ngành, các cấp tiếp tục tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Đã có hơn 4.043.273 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN, đã tổ chức 69.246 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN và phát hành 296.020 cuốn sách, tài liệu về PCTN. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, hoàn thiện, phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy về PCTN dùng cho các cơ sở giáo dục, đào tạo, đồng thời hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy, tài liệu, sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học. Nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú được các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Thanh tra Chính phủ triển khai nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. 
 
    Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN đối với cán bộ, công chức và nhân dân đã có hiệu quả, tác động tích cực, nhất là trong việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức có ý thức sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng. Ý thức của nhân dân trong việc tố cáo tham nhũng được nâng lên rõ rệt so với trước. Kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ đối với 1.612 công chức, viên chức, người dân (công bố tháng 8-2015) cho thấy: 77,8% công chức, viên chức và 77,6% người dân được hỏi cho biết sẵn sàng tố cáo khi biết về hành vi tham nhũng (tỷ lệ này năm 2012 là 79% đối với công chức, viên chức, 42,9% đối với người dân).
 
    Việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đã bước đầu có tác dụng trong việc nâng cao nhận thức về PCTN của học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ nói chung. Kết quả khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam công bố ngày 04-8-2015 (khảo sát do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Đại sứ quán Phần Lan, Cơ quan viện trợ Ai Len, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tài trợ thực hiện) cho thấy: thanh niên Việt Nam đề cao các giá trị gắn liền với liêm chính, nhận thức rất rõ về nhũng điều đúng sai với 94% cho rằng trung thực quan trọng hơn giàu có; 82% cho rằng tuân thủ pháp luật và liêm chính quan trọng hơn giàu có. 95% cho rằng một người liêm chính không nhận hoặc đưa hối lộ. 85% cho rằng thiếu liêm chính rất nguy hại cho đất nước, gia đình và bản thân họ. 87% sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến phòng, chống tham nhũng. 81% sẵn sàng vận động bạn bè không đưa phong bì. 89% tự hứa không gian lận tại trường học, nơi làm việc. 

    Tuy đạt được kết quả tích cực nhưng hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN còn chưa cao, chưa tạo được sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng. Vẫn còn nhiều biểu hiện sẵn sàng chấp nhận tiêu cực, tham nhũng để được việc của mình hoặc thờ ơ, không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình trước những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam cho thấy nhiều thanh niên vẫn sẵn sàng đưa ra những quyết định vi phạm liêm chính trong những tình huống cụ thể: để đỗ một kỳ thi: 19%; để được cấp một giấy tờ nào đó: 22%; để được nhận vào một trường học tốt hoặc một công ty tốt: 42%... Kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ đối với 1.612 công chức, viên chức, người dân (công bố tháng 8-2015) cho thấy: 05% cán bộ, công chức và gần 35% người dân không quan tâm hoặc ít quan tâm đến vấn đề tham nhũng. 12% công chức, viên chức và 15% người dân quyết định không tố cáo cho dù biết về hành vi tham nhũng; 46,8% công chức, viên chức và 45,8% người dân cho biết chỉ tố cáo tham nhũng nếu liên quan đến quyền lợi của mình.

Chính phủ yêu cầu thời gian tới các cấp, các ngành đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân và biểu hiện, tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN; thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; có cơ chế để nhân dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác PCTN; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong PCTN…

Nhã Lan
(Thanh tra Chính phủ)

VĂN BẢN