Giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2019 khu vực phía Nam
Ngày 17-10, tại tỉnh Bình Dương, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với tỉnh ủy tỉnh Bình Dương tổ chức Giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 9 tháng đầu năm 2019 khu vực phía Nam.

Responsive image

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư; lãnh đạo của 22 ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo các cơ quan nội chính và công chức của Ban Nội chính tỉnh ủy tỉnh Bình Dương…. Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, 9 tháng đầu năm 2019, Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động nắm chắc thông tin, bám sát địa bàn, tham mưu có hiệu quả cho ban thường vụ, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự. Các vi phạm, tội phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính răn đe, củng cố niềm tin của nhân dân. Đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế. Nắm và kịp thời xử lý các vụ việc liên quan đến thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá, lôi kéo biểu tình, đình công, lãn công; tình trạng lợi dụng tôn giao để tuyên truyền, truyền bá tư tưởng độc hại…

Khối các cơ quan nội chính thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ, việc, vụ án xảy ra trên địa bàn. Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục tham mưu cấp ủy tổ chức thực hiện tốt Quy định 11-QĐi/TW ngày 18-02-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Quy định 194-QĐ/TW ngày 23/5/2019 của Ban Bí thư về phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, được các tỉnh ủy, thành ủy tích cực, chủ động và kịp thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tham mưu cho thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, chỉ đạo xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại địa phương. 

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra việc kê khai tài sản; công khai, minh bạch việc thực hiện chế độ, định mức; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác và phòng, chống “tham nhũng vặt”. 

Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu tập trung trao đổi về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách; chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp; tham mưu, đề xuất đối với việc nắm tình hình và xử lý vụ, việc liên quan đến một số vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo… Đặc biệt là chia sẻ thông tin về tình hình an ninh, trật tự trong công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Cùng với đó, đề xuất nhiều giải pháp giúp nâng cao công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan Trung ương và các địa phương khu vực phía Nam trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 9 tháng đầu năm; tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, kiến nghị của đại biểu tham dự Hội nghị. Đồng chí đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới tiếp tục thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để phát sinh điểm nóng, tình trạng lợi dụng của các thế lực thù địch chống phá, nhất là trong các khu công nghiệp. Chú trọng quản lý an toàn thông tin mạng, công tác thông tin đối ngoại; chủ động định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí đưa tin đầy đủ, kịp thời; phản bác thông tin xuyên tạc, sai sự thật. 

; Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy nâng cao công tác phối hợp nhằm thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất, nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, dân tộc, an ninh trật tự các tại khu kinh tế. Phối hợp tham mưu cấp ủy thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thi đua chuyên đề giai đoạn 2019-2020 với chủ đề: Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi “tham nhũng vặt” xảy ra trên địa bàn của Ban Nội chính Trung ương phát động. 

Triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp 16 của Ban Chỉ đạo; tích cực thực hiện quan điểm chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ, điều tra, xử lý đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu “tham nhũng vặt”. 

                                                                                              Thu Huyền
Nguồn noichinh.vn
DT-st

VĂN BẢN