An Giang quyết liệt phòng, chống tham nhũng
(Cổng TTĐT AG)- Một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của Đảng bộ tỉnh là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tỉnh quyết liệt các biện pháp phòng ngừa cùng với tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Với kết quả Thanh tra Chính phủ công bố An Giang đứng đầu cả nước phòng, chống tham nhũng cho thấy, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng ở An Giang được các cấp ủy, các ngành, địa phương quan tâm, thể hiện rõ qua chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai toàn diện, tích cực; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng đi vào thực chất hơn.

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Võ Thanh Tráng: Tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cấp ủy đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường sự lãnh đạo của các cơ quan pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp; giao Ban Nội chính Tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi đôn đốc việc xử lý. tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử... Nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

Cùng với thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, thanh, kiểm tra góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng trên nhiều lĩnh vực và trong các ngành các cấp đặc biệt là các ngành, lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai... thường xuyên tiếp xúc trực tiếp, giải quyết những quyền lợi chính đáng của nhân dân. Việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. 

Chánh Thanh tra tỉnh Võ Thanh Tráng cho biết: năm 2017, tỉnh đã tiến hành 64 cuộc thanh tra, phát hiện 30/87 đơn vị sai phạm, với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng và 74.408m2 đất, kiến nghị thu hồi 1,9 tỷ đồng và 74.408m2 đất; kiến nghị kiểm điểm khiển trách 11 tổ chức, 32 cá nhân. Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ, 15 đối tượng. Qua công tác thanh tra đã góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng trên các lĩnh vực, trong các ngành, các cấp, nhất là các lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp, giải quyết những quyền lợi chính đáng của nhân dân. Năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Qua thanh tra công tác tài chính tại một trường tiểu học, phát hiện thất thoát 383,91 triệu đồng, đã khắc phục xong.

6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành Thanh tra tiến hành 51 cuộc thanh tra hành chính. Qua thanh tra phát hiện 26/81 đơn vị sai phạm với tổng số tiền 1,998 tỷ đồng và 34.821,90m2 đất; kiến nghị thu hồi 1,461 tỷ đồng và 34.821,90m2 đất. 

Cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý, giải quyết 6 vụ, 15 bị can với số tiền 38,3 tỷ đồng. Kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát 2 vụ, 2 bị can; tiếp tục điều tra làm rõ 4 vụ, 13 bị can. Tòa án đang thụ lý giải quyết 5 vụ, 19 bị can. 

UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, ngôn luận và các tổ chức, đoàn thể khác trong phòng, chống tham nhũng. Qua công tác giám sát, Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng cơ sở đã kịp thời phát hiện, kiến nghị UBND các cấp và cơ quan có thẩm quyền thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời và làm giảm hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực tham gia đưa tin việc xử lý các vụ việc tham nhũng, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng.

Biến chủ trương thành hành động, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thực hiện toàn diện, nội dung kiểm tra, giám sát, tập trung những vấn đề, lĩnh vực nóng, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, làm tốt công tác phòng ngừa. Chất lượng kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Đổi mới, tăng cường kiểm tra, giám sát với mục tiêu: phòng ngừa là chính. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Văn Răng cho biết: Ủy ban kiểm tra các cấp giám sát thường xuyên, chủ động, tích cực bám sát địa bàn lĩnh vực phụ trách; tập trung giám sát tổ chức đảng cấp dưới, cấp ủy viên, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý trongviệc lãnh, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực như: quản lý và sử dụng đất đai, tài chính.. Qua giám sát đã kịp thời góp ý, phê bình, chấn chỉnh, ngăn ngừa vi phạm. Nhờ đó, công tác phòng chống tham nhũng lãng phí ở An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài.

Công tác phòng, chống tham nhũng ở An Giang đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt, song vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định chưa khắc phục được, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng có nơi còn mang tính hình thức; việc chống lãng phí còn mờ nhạt. Số vụ việc tiêu cực, sai phạm xảy ra nhiều ở lĩnh vực quản lý tài chính trong trường học và UBND xã. Biện pháp phòng ngừa thông qua kê khai tài sản, thu nhập hiệu quả thấp. Còn một số ít cán bộ, công chức, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, sa sút phẩm chất. 

Từ thực tế đó, tỉnh đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nhất quán các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới với những bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm.

Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Đảng bộ tỉnh An Giang tập trung công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Công tác thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. UBND tỉnh và các cấp ngành, địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các quy chế phối hợp; phát huy chức năng giám sát hoạt động của địa phương, khuyến khích và động viên, tạo điều kiện để quần chúng, tổ chức đoàn thể tích cực tham gia, góp phần thiết thực phòng, chống tham nhũng. 

Theo Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Lưu Vĩnh Nguyên, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết của Đảng và luật pháp của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục thanh tra, kiểm tra thực hiện trách nhiệm về phòng chống tham nhũng.

Để nâng cao hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tỉnh tiếp tục tăng cường hơn nữa nhận thức, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Song song đó, kiện toàn, nâng cao năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của đội ngũ làm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ. Tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng”, dư luận quan tâm. Làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm. Nâng cao sức chiến đấu của các Chi, Đảng bộ để thường xuyên tự kiểm tra, không để xảy ra tiêu cực. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”; đồng thời, khuyến khích, khoan hồng những trường hợp tự khai báo, nộp khắc phục hậu quả. Phát huy vai trò tích cực của báo chí, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách sâu rộng, định hướng dư luận kịp thời, tạo sự đồng thuận và khơi dậy niềm tin, phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Phát hiện, ngăn chặn xử lý có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo, tăng cường thanh tra, tự kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, nhất là ở những lĩnh vực, bộ phận dễ xảy ra hành vi tham nhũng; tăng cường phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về phòng chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính, tư pháp các tổ chức trong phát hiện xử lý tham nhũng, tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng…/.

HẠNH CHÂU

VĂN BẢN