An Giang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát tham nhũng khu vực công
(Cổng TTĐT AG)- Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, một trong 8 chỉ số lĩnh vực nội dung của Chỉ số PAPI, nhằm giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị và hành chính công của tỉnh, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Responsive image

Biểu đồ chỉ số nội dung 4 – Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công từ năm 2011-2019

Responsive image

Bảng chỉ số PAPI An Giang năm 2019

Qua kết quả đánh giá PAPI năm 2019 vừa được công bố, Trục chỉ số về “Đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” của An Giang đang có chiều hướng giảm, từ nhóm có chỉ số “Cao nhất” (6,93 điểm) của năm 2018, xuống nhóm có chỉ số “Trung bình thấp” (6,79 điểm) của năm 2019, giảm 0,14 điểm so với năm 2018. 

Năm 2020, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh An Giang, với nhiều nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp trọng tâm. An Giang phấn đấu Chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ hạng 20/63  tỉnh, thành phố. Trong đó, đối với Chỉ số nội dung 4 - Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, phấn đấu đạt 7/ 10 điểm. 

UBND tỉnh phân công cho Thanh tra tỉnh là cơ quan chủ trì tham mưu UBND tỉnh trong các giải pháp thực hiện nâng cao chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2020, ngành Thanh tra quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công thông qua tăng cường công tác truyền thông và thực hiện đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát tham nhũng khu vực công. 

* Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Năm 2020, An Giang đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt, phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tăng cường, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng sâu, rộng trong nhân dân.

Các Sở, Ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật PCTN; Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biệp pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

* Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát tham nhũng công

Năm 2020, An Giang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở cơ sở, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dư luận quan tâm. Thường xuyên giám sát, kiểm tra phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi như dùng tiền quỹ công vào mục đích riêng; huy động các khoản đóng góp trái quy định; phải chi thêm tiền ngoài quy định trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là việc cấp giấy, cấp phép về đất đai, xây dựng, thương mại, y tế; phải chi thêm tiền ngoài quy định để được quan tâm khám, chữa bệnh và dạy học; việc “lót tay” hoặc thông qua mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền để được xin việc làm, thi tuyển, xét tuyển trong cơ quan nhà nước.

Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, giải quyết hồ sơ, công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, ngành Thanh tra phối hợp tốt với cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật. 

Thực hiện công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra cũng như việc chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra của các đơn vị.  

Tăng cường phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phát huy vai trò giám sát các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong khu vực công. Đồng thời, thực hiện việc bảo vệ và tạo điều kiện cho người dân phát hiện, tố giác, tố cáo, phản ánh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng theo quy định…/.

PAPI là nghiên cứu xã hội học lớn nhất hiện nay ở Việt Nam tìm hiểu hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Chỉ số PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương; giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn.

Chỉ số PAPI tỉnh An Giang năm 2019, đạt 44,37 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 4 bậc so với năm 2018), vẫn nằm trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao; xếp hạng 5/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Phan Thanh

 

VĂN BẢN