Tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn, đẩy lùi
(Cổng TTÐT An Giang) - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công việc rất quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị, coi đây là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, tuy nhiên quyết tâm này phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, công khai, thực tế. Và rõ ràng, chúng ta đang từng ngày được nhìn thấy những hành động mạnh mẽ chứ không phải là lời nói suông, trên giấy tờ nữa.

Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Qua kiểm điểm tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khẳng định: công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh và có những chuyển biến tích cực, rõ rệt; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ, nhiều cán bộ cấp cao vi phạm đã được kết luận và xử lý, kỷ luật nghiêm minh, công khai, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ…

 Tuy nhiên, Trung ương cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy đạt được kết quả rất đáng khích lệ, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; còn chậm chỉ đạo xử lý tình trạng thua lỗ, thất thoát nghiêm trọng về vốn và tài sản tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân; cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp còn bất cập, dễ bị lợi dụng để trục lợi; tham nhũng, tiêu cực…

Trung ương thống nhất khẳng định sẽ kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.

Với quyết tâm chính trị cao, cả hệ thống chính trị nước ta đang bước vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất quyết liệt. Điển hình là các vụ án tham nhũng lớn đã được đem ra xét xử như: vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB); vụ án tham nhũng, tham ô tại Vinashinlines; vụ án tham nhũng tại Oceanbank… Sắp tới, những vụ án tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai khai thác tài nguyên, khoáng sản; thu chi, ngân sách, mua sắm tài sản công, tài chính, ngân hàng, các dự án đầu tư cơ bản; công tác cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng đang được điều tra, xem xét, làm rõ theo đúng trình tự pháp luật. Theo đó, những cá nhân, người đứng đầu, kể cả những người đã và đang giữ chức vụ cao nhất trong chính quyền nhà nước, trong Đảng cũng phải chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm và sẽ bị xem xét thi hành kỷ luật đảng hoặc xử lý theo quy định pháp luật. 

Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ký ban hành Kế hoạch số 64-KH/BCĐTW và Quyết định số 65-QĐ/BCĐTW thành lập 8 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đối với 20 Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Việc kiểm tra, giám sát lần này nhằm nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của các cấp ủy và kết quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; góp phần nhận diện và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, nhưng với tinh thần trách nhiệm, thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, mà toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị đang hướng tới bằng những việc làm cụ thể, chúng ta tin tưởng rằng, tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân./

Lê Hân


VĂN BẢN